Mọi thứ
trước mắt dần trở nên rõ ràng hơn, đôi mắt màu xám nhạt đang nhìn tôi đầy vẻ lo
âu, chớp mắt, tôi nhận ra Pusyseda.
– Ơn
trời, chị tỉnh lại rồi!
Cậu ta
muốn ôm tôi, nhưng cánh tay chạm phải vết thương của tôi, cơn đau dội về, mồ
hôi đầm đìa trên trán tôi.
– Xin
lỗi, tôi vụng về, thô lỗ quá!
Cậu ta
vội buông tay tôi, chăm chú quan sát vết thương của tôi.
– Đừng
lo, tôi nhất định sẽ chữa khỏi cho chị.
Đưa mắt
nhìn quanh, vậy là tôi đã trở về căn phòng của mình ở phủ quốc sư. Cánh tay
được phủ kín bởi không biết bao nhiêu lớp vải quấn, vết thương sưng lên thật
đáng sợ.
Tôi hỏi
Pusyseda đã xảy ra chuyện gì qua làn hơi yếu ớt của mình. Thì ra là một vụ cướp
bóc thường gặp ở vùng này. Đám cướp thấy đoàn chúng tôi, tính cả phu xe cũng
chỉ vỏn vẹn sáu người đàn ông, nên đã tấn công trực diện. Nhưng Pusyseda và bốn
người bạn của cậu ta lại là những binh lính được đào tạo bài bản, một người có
thể hạ gục bốn tên, đám cướp biết không thể làm bậy, đã bỏ chạy. Bọn họ không
hề hấn gì cả, chỉ có tôi là kém may mắn nhất, đầu đập vào phiến đá, ngất đi,
nhưng đó chưa phải là điều khiến tôi lo sợ, đáng ngại nhất là vết thương chưa
lành, nay lại chịu thêm chấn thương nghiêm trọng. Các khớp xương ở khu vực nhạy
cảm vốn đã rất khó liền, bây giờ lại càng nguy hiểm hơn.
Pusyseda
nổi trận lôi đình muốn trị tội tên phu xe nhát gan bỏ trốn, nhưng tôi đã ngăn
lại. Dù sao đó là bản năng tự bảo vệ để có thể tiếp tục sinh tồn mà thôi.
Ngự y
trong cung đã đến, khi cánh tay được vén lên, tôi rụng rời. Nếu không phải là
một phần thân thể mình, chắc chắn tôi sẽ cười phá lên và bảo rằng, cánh tay
trông như chân giò ninh nhừ ấy! Vết thương đã bị vi khuẩn tấn công, rất có thể
sẽ bị hoại tử. Trời ơi, sao lại như thế được! Vết thương này đã bám theo tôi
gần nửa năm, tôi vẫn tích cực chữa trị kia mà, vì sao khả năng phục hồi lại kém
như vậy?
– Ngải
Tình, đừng sợ!
Pusyseda
nắm chặt cánh tay còn lại của tôi, cậu ta dường như còn sợ hãi hơn cả tôi.
– Chờ
nhé, tôi sẽ vào cung tìm loại thuốc tốt nhất cho chị.
Pusyseda
vội vã rời phủ cùng ngự y, tôi nằm trên giường suy nghĩ mông lung. Rốt cuộc là
vì sao? Lẽ nào, vì tôi sử dụng cỗ máy vượt thời gian quá nhiều lần, nên đã bị
nhiễm phóng xạ? Cánh tay tôi, liệu có tàn phế?
Càng
nghĩ càng sợ hãi, không chịu nổi nữa, tôi bèn ngồi dậy. Tôi nói với cô người
rằng tôi muốn một mình yên tĩnh, sau đó tôi cắn răng chịu đau, lê bước đến
phòng Pusyseda. Chắc chắn cậu ta đã cất giấu chiếc đồng hồ ở một nơi nào đó rất
kín đáo. Tôi gõ nhẹ vách tường, rồi lật tìm trong tủ sách. Chỉ dùng được một
bên tay nên động tác rất chậm. Trong lòng bồn chồn, lo lắng, không biết khi nào
cậu ta sẽ về?
Tôi bám
vào thành giường, quỳ xuống, thò tay vào gầm giường tìm kiếm. Hình như tay tôi
chạm phải một vật gì đó, tôi mừng rỡ, kéo ra ngoài. Đó là một chiếc hộp gỗ hình
chữ nhật rất bình thường, chỉ rộng bằng tờ giấy A8. Tôi cuống quít mở hộp và
toàn thân như hóa đá.
Chỉ vài
ba nét phác họa nhưng đã tái hiện được hình ảnh một cô gái với nụ cười rạng rỡ,
sống động, trang phục giản dị, gương mặt tươi tắn, người đó chính là tôi! Bức
họa được vẽ bằng giấy nháp và bút chì của tôi.
Trang
tiếp theo là một bức vẽ bán thân của tôi, đôi mắt trong sáng, lí lắc, nụ cười
ngây ngô đậu trên khóe môi. Tiếp theo nữa là bức vẽ tôi cưỡi trên lưng lạc đà,
vẻ mặt khổ sở vì ngồi không vững, suýt nữa thì ngã nhào xuống đất. Tiếp theo là
bức vẽ tôi ngủ gục trên bàn, mái tóc dài xõa xuống, che khuất nửa khuôn mặt.
Một bức vẻ mô tả động tác nghiêng đầu, há miệng kỳ quặc của tôi, hình như lúc
tôi hát. Có cả bức vẽ khi tôi trầm ngâm, chăm chú đọc sách…
– Cảm
động lắm hả?
Tôi
giật bắn, chiếc hộp rơi xuống nền nhà, tập giấy vương vãi.
Pusyseda
ngồi xuống, lượm nhặt từng tờ, xếp gọn lại, nở nụ cười khó hiểu.
– Nếu
tôi nói với chị đó là những bức tranh do tôi vẽ, chị sẽ yêu tôi chứ?
– Tôi…
Nước mắt
lăn dài trên má.
–
Pusyseda…
Cậu ta
lật mở từng trang, ánh mắt đổ dồn vào những bức vẽ, điệu cười buồn bã.
– Vẽ
rất có hồn phải không?
Những
bức về sau không đẹp lắm, nét vẽ thô lậu, xuất hiện nhiều dấu vết của sự tẩy
xóa. Thần thái của tôi không sống động như những bức vẽ trước. Pusyseda lật đến
những trang cuối cùng, người trong hình không phải tôi. Đó là những bức chân
dung Rajiva do chính tôi vẽ. Nụ cười ấm áp, một bên vai để trần, thân hình gầy
gò. Hình vẽ khá giống, có điều, chưa lột tả được hết thần thái của cậu ấy.
– Tôi
cũng mong đây là những bức tranh do tôi vẽ.
Cậu ta
vẫn không rời mắt khỏi những bức họa, bàn tay run run.
– Như
thế, sẽ khiến chị cảm động. Ngải Tình, lúc gặp chị tôi mới mười tuổi và chúng
ta chỉ sống cùng nhau vẻn vẹn ba tháng. Khi trưởng thành, tôi chỉ nhớ mình từng
gặp tiên nữ, nhưng dung mạo của cô tiên nữ đó thế nào, tôi không nhớ nữa. Trong
ký ức của tôi, chỉ vương vấn lại những bài hát của chị, tiếng cười lảnh lót của
chị lúc chơi đùa với tôi trong sân nhà và hơi ấm của chị mà thôi. Chắc chị đã
đoán được những bức họa này do ai vẽ? Cô gái trong tranh có đôi mắt thuần
khiết, trong sáng mà tôi không thấy được từ những người phụ nữ bên cạnh tôi
những năm qua. Đôi mắt ấy đã đánh thức ký ức về chị trong tôi. Trong phút chốc
những kỷ niệm thuở nhỏ hiện ra thật sống động. Chị dạy tôi trò oẳn tù tì, chị
cùng tôi đóng kịch tướng quân và kẻ cướp, chị cùng tôi đắp người tuyết, chị dạy
tôi học Hán ngữ cổ đại, chị vừa vỗ lưng vừa hát ru tôi ngủ. Mọi thứ đều mới mẻ
như mới hôm qua. Từ lúc đó, tôi luôn mong mỏi được gặp lại chị.
– Tôi
đã lấy trộm những bức vẽ này. Anh ta không dám đòi lại, nhưng tôi biết anh ta
đã đến đây lục tìm rất nhiều lần. Một năm qua, tôi vẫn thường lật mở, ngắm
nghía những bức vẽ này và sau đó thì rất tức giận. Vì sao anh ta vẽ được chân
dung chị sống động, có hồn đến thế, khiến cho tôi mỗi lần nhìn ngắm lại khao
khát được gặp chị. Anh ta chưa bao giờ nổi tiếng về tài vẽ tranh, điều đó chứng
tỏ anh ta đã phác họa hình ảnh chị trong trái tim mình hàng ngàn hàng vạn lần,
mới có thể vẽ được những bức chân dung tài hoa đến thế!
Tôi run
rẩy đưa tay ra, muốn lấy lại những bức hình, Pusyseda do dự giây lát, rồi trả
cho tôi. Tôi chậm rãi lật mở từng trang, những nét vẽ từ gượng gạo, thô kệch
đến bay bổng tinh tế và cuối cùng là sống động, hài hòa. Phải chăng vì thế mà
cậu ta từng thú nhận: mười năm trước, mười năm qua vẫn luôn vi phạm giới luật.
Không biết từ khi nào, tôi đã bước vào trái tim cậu ấy, đến tận nơi sâu thẳm
nhất.
Tôi
không khóc nổi, vết nứt trong trái tim ngày một khoét rộng ra, cảm giác như tôi
đã hoàn toàn mất nó.
– Ngải
Tình!
Pusyseda
ôm chặt lấy hai vai tôi, sợ hãi kêu lên.
– Chị
sao vậy?
Tôi làm
sao? Một giọt màu đỏ rơi xuống, thấm nhòe trên nụ cười ngây ngô của tôi. Một
giọt khác che khuất ánh mắt sáng long lanh của tôi.
Một
cánh tay vươn đến, cuống quít chặn trước mũi tôi, ngón tay dính đầy những giọt
đỏ tươi. Tôi gắng gượng ngẩng đầu nhìn lên, bắt gặp vẻ mặt hoảng sợ của
Pusyseda. Tôi muốn nói rằng tôi không sao, nhưng vừa định mở miệng, dòng máu đỏ
đã trào ra, nở bung như những bông hoa nhỏ, sắc đỏ vương lên những bức tranh
chân dung của tôi. Cơ thể tôi ngày càng mệt mỏi, rã rời, đầu óc quay cuồng hỗn
loạn, trong khoảnh khắc, mọi thứ bỗng trở nên tịch lặng.
Tôi
gắng mở mắt, đây là căn phòng của tôi, Pusyseda ngồi bên cạnh, hai mắt thâm
quầng. Thấy tôi tỉnh lại, cậu ta cuống quýt hỏi han đủ thứ.
Tôi ra
hiệu muốn uống nước, Pusyseda vội mang đến một cốc nước nóng. Hơi ấm của nước
lan tỏa khắp cơ thể, tôi đã lấy lại được một chút cảm giác. Tôi lặng nhìn cậu
ta, không muốn nói năng gì, cũng không đủ sức để cất lời.
– Ngải
Tình, đừng nhìn tôi như vậy!
Cậu ta
nghiêng đầu tránh đi, giọng nói nghẹn ngào:
– Kể từ
lúc chị ngắm nhìn những bức vẽ đó, tôi biết mình đã thua. Thực ra, tôi chưa bao
giờ thắng. Chị luôn thuộc về anh ta, mười năm trước đã như vậy rồi.
Cậu ta
hít một hơi rất sâu, gắng giữ cho hơi thở ở trạng thái bình thường.
– Anh
ấy sắp về rồi. Tôi đã cử người đi thông báo.
Tôi
kinh ngạc bật dậy, nhưng cơn đau khiến tôi đổ xuống. Pusyseda vội lao đến giữ
chặt lấy tôi, ánh mắt đau khổ xen lẫn lo âu nhìn tôi, giọng nói đầy xúc động:
– Khi
nào Rajiva về đây, tôi sẽ xin với đức vua cho phép anh ấy hoàn tục. Nếu anh ấy
không đồng ý, tôi sẽ dần cho một trận.
– Không
được!
Tôi
thốt lên trong hơi thở cực nhọc.
– Vì
sao?
Cậu ấy
kề sát mặt tôi, nỗi bi ai hiển hiện trên nét mặt.
– Hai
người yêu thương nhau kia mà? Vì sao phải đày đọa bản thân như vậy? Nếu thật
lòng yêu chị, anh ấy nên từ bỏ thân phận tăng sĩ của mình.
Nước
mắt lăn dài trên má.
–
Pusyseda, không kịp nữa rồi…
Vết
thương lâu lành, hai lần chảy máu cam và một lần thổ huyết, tôi biết sức khỏe
của mình đã chịu tổn thương khá nghiêm trọng qua những lần vượt thời gian, mặc dù
không biết đã mắc bệnh gì, nhưng tôi hiểu rằng mình không thể tiếp tục ở lại,
tôi phải nhanh chóng quay về. Tôi nghĩ vết thương của tôi không chỉ đơn giản là
cánh tay sắp gãy kia. Tôi cay đắng nhận ra rằng, thay đổi lịch sử thì phải trả
giá.
– Hãy
trả lại tôi chiếc vòng đó…
Tôi thốt
lên từng tiếng khó khăn
– …Nếu
cậu không muốn tôi chết…
– Ngải
Tình!
Cậu ta
ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào:
– Là
lỗi của tôi, tôi đã ép chị ở lại, mà quên rằng, tiên nữ không thuộc về nơi này…
Pusyseda
nhẹ nhàng ngả đầu tôi xuống gối, những giọt đau thương đọng trên khóe mắt, vành
môi run run.
– Tôi
trả chị về trời.
Khâu Từ
vốn ít mưa, mùa thu lại càng khô nẻ. Nhưng vào ngày cuối cùng tôi ở đây, cơn
mưa giăng giăng ngoài cửa sổ, bầu trời u ám, lạnh lẽo và thê lương như tâm
trạng của tôi lúc này. Pusyseda cho mọi người trong phủ nghỉ làm một ngày, để
không ai bị choáng váng trước sự biến mất kỳ lạ của tôi. Sức khỏe yếu ớt, nên
chỉ với một bên tay trái, tôi không thể tự mặc áo chống phóng xạ, Pusyseda đón
lấy chiếc áo, giúp tôi.
Nếu
không bị ốm, chắc chắn khuôn mặt tôi đã đỏ gay đỏ gắt. Đây là lần đầu tiên
trong đời tôi để một người con trai mặc áo cho mình và người đó lại áp sát thân
mình vào người tôi thế này. Tôi tựa vào khuôn ngực vạm vỡ của Pusyseda, hai má
nóng bừng, vừa hướng dẫn cậu ta kéo những chốt khóa phức tạp. Tuy hơi vụng về
nhưng cậu ta rất tập trung, thận trọng và tỉ mỉ, vừa thao tác vừa không ngừng
hỏi tôi, có đau không.
Khuôn
mặt cậu ấy cũng ửng đỏ, nhưng đôi mắt ắp đầy nỗi buồn thương vô hạn, khiến tôi
không dám nhìn. Cánh tay bị thương của tôi sưng tấy nghiêm trọng, không sao đút
vừa tay áo, mồ hôi ướt đầm vầng trán. Cậu ta lập tức dừng lại, nâng cánh tay
của tôi lên ngắm nghía với vẻ xót xa. Tôi ra hiệu cho cậu ta tiếp tục. Pusyseda
cắn răng, dường như phải tốn sức lắm để có thể luồn tay áo qua cánh tay tôi.
Khi lớp vải cọ vào vết thương, tôi như muốn ngất đi vì nhức buốt.
– Tôi
chưa bao giờ mất nhiều thời gian để mặc quần áo như thế này.
Tôi nén
cơn đau, mỉm cười với cậu ta.
Pusyseda
có chút ngạc nhiên, miễn cưỡng nở một nụ cười méo mó.
– Đây
cũng là lần đầu tiên tôi giúp phụ nữ mặc quần áo.
Ánh mắt
cậu ta dừng lại nơi miếng ngọc hình sư tử trên cổ tay tôi, với tay chạm khẽ:
– Hứa
với tôi, chị sẽ luôn đeo nó bên mình, để thỉnh thoảng còn nhớ đến tôi.
Tôi gật
đầu, cảm giác như sắp nghẹt thở trong bầu không khí ngậm ngùi này, tôi gắng sức
diễn một nụ cười ngô nghê “thương hiệu” Ngải Tình.
–
Pusyseda, tiết lộ cho cậu biết “định luật ba không” mà các bạn nam trường tôi
khi theo đuổi các bạn nữ luôn ghi nhớ.
Pusyseda
quả nhiên rất tò mò.
– “Định
luật ba không” ư?
Tôi
cười.
– Bụt
chùa nhà không thiêng. Chia tay rồi là không vương vấn. Con gái không phải lá
mùa thu.
Cậu ta
lẩm nhẩm đọc đi đọc lại, điệu bộ rất mắc cười, sau đó quay ra chọc tôi:
– Cho
chị thêm một cơ hội cuối cùng, đừng để đến khi đám phụ nữ xinh đẹp vây lấy tôi
mới lại hối hận.
Tôi
cười vang, mặc cho cánh tay bị thương truyền đến cơn nhức nhối. Đã rất lâu rồi
mới lại được thấy Pusyseda vui vẻ như vậy.
Cậu ta
giúp tôi khoác bộ Hán phục ra bên ngoài lớp áo chống phóng xạ, rồi xách hai
chiếc ba lô Northface đến trước mặt tôi.
– Tôi
không muốn chị vác theo hai cái ba lô khổng lồ này. Chị yếu như vậy…
– Không
sao, cậu cứ đeo lên vai giúp tôi.
Pusyseda
nhẹ nhàng ôm lấy tôi, cử chỉ dịu dàng khác hẳn thường ngày.
Rất lâu
không thấy cậu ấy buông ra, tôi đành chủ động lên tiếng:
– Tôi
đi đây!
Pusyseda
ngoảnh đầu đi, khẽ hỏi:
– Không
chờ anh ấy về sao? Chắc là sắp đến nơi rồi.
Tôi lắc
đầu. Còn nhớ, buổi tối ở Subash, Rajiva từng hỏi tôi có muốn cậu ấy hoàn tục
không. Giả dụ tôi bất chấp lịch sử, khiến cho dịch giả Phật học lừng danh
Kumarajiva biến mất, rồi cậu ấy sẽ ra sao? Cậu ấy có lí tưởng vĩ đại, có nhân
sinh quan của riêng mình. Nếu phải xa rời nơi cậu ấy đã gắn bó từ thuở nhỏ để
đến thế giới hiện đại làm một người bình thường, liệu cậu ấy có thể chấp nhận
được không, có thể thích ứng được không?
Kết
thúc truyện cổ tích luôn là hoàng tử và công chúa sống bên nhau hạnh phúc.
Nhưng cuộc sống chung ấy sẽ ra sao? Những lo toan thường nhật sẽ bào mòn nỗi
háo hức ban đầu của cậu ấy. Cậu ấy sẽ trở nên hụt hẫng, hoang mang, mất đi
phương hướng trong cuộc sống. Tình yêu dù có đẹp đẽ đến đâu cũng không thể bù
đắp những dày vò về tinh thần khi lý tưởng bị đánh cắp. Bởi vậy, tôi không thể nhẫn
tâm ép buộc cậu ấy phải lựa chọn.
Tôi là
người rất thực tế, tôi trở về để giữ mạng sống. Nếu nhất định phải ra đi và
không muốn cậu ấy phải khó xử, chi bằng không gặp, gặp nhau chỉ thêm đau lòng!
Hơn nữa, gặp cậu ấy, tôi không dám đảm bảo sẽ vẫn giữ vững được lập trường của
mình. Lặng lẽ ra đi, đối với cả hai chúng tôi, có lẽ là cách từ biệt tốt nhất…
– Khi
nào chị trở lại?
– Tôi
không biết.
Tôi
gượng cười, đúng là tôi không biết. Sau khi quay về, tôi không biết mình có mắc
bệnh gì không. Tôi không biết nhóm nghiên cứu có tiếp tục để tôi vượt thời gian
lần nữa không. Nếu tiếp tục vượt, tôi không biết có quay lại không gian và thời
gian này không. Có quá nhiều điều tôi chưa thể biết, nhiều chuyện sẽ xảy ra
ngẫu nhiên, nếu tính theo phương pháp xác suất, thì cơ hội là bằng không. Vậy
nên, có lẽ chúng tôi không còn cơ hội gặp lại nữa…
–
Nếu ta không gặp gỡ
Ta
đã chẳng yêu nhau.
Nếu
ta không thấu hiểu
Ta
đã chẳng thương nhau… [22]
Tôi lẩm
nhẩm những câu thơ của Tsangyang Gyatso, vị Đạt Lai đời thứ sáu của Tây Tạng,
nỗi bi thương, phút chốc như khiến tôi già đi mấy chục tuổi. Tôi đã lưu lại nơi
này cả tâm hồn mình! Thứ tôi mang theo chỉ là một cơ thể suy nhược, không trái
tim… mà thôi…
– Ngải
Tình…
Pusyseda
xiết chặt lấy tôi thêm một lần nữa, cúi đầu hôn nhẹ lên trán tôi. Nụ hôn của
cậu ấy nóng ran, chất chứa nỗi lòng sinh ly tử biệt. Rất lâu mới nhẹ nhàng thả
tôi ra, giúp tôi đội mũ chống phóng xạ lên đầu, kéo khóa lại, chậm chạp bước ra
ngoài, nhưng đến cửa vẫn lưu luyến quay lại nhìn tôi.
–
Pusyseda!
Tôi hét
to khi cánh cửa đóng lại,
– Hãy
sống thật hạnh phúc! Hãy tìm một người phụ nữ thật lòng yêu cậu!
– Tôi
hứa…
Giọng
nói nghẹn ngào của cậu ta lướt qua khe cửa.
– Khi
trở lại, chị sẽ được thấy tôi sống vui vẻ như thế nào…
Tôi bật
công tắc, đèn tín hiệu nhấp nháy, đồng hồ bắt đầu đếm ngược. Tôi đưa mắt nhìn
lại căn phòng một lần nữa, những chữ viết siêu vẹo của Pusyseda trên tường,
những bức tranh Rajiva vẽ chân dung tôi, Pusyseda đã hứa sẽ trả lại cho cậu ấy.
Thế giới này sẽ biến mất trong vòng chưa đầy một phút nữa. Ra đi, mong là tôi
có thể quên tất cả…
Giây
phút vút bay lên không trung, hình như tôi nghe thấy tiếng gọi xé lòng của ai
đó, là ai? Ai gọi tên tôi thương tâm nhường vậy? Sao tôi không thể thấy…