Trong
“Đại Đường Tây vực ký”, Huyền Trang miêu tả về Khâu Từ như sau: “Nước Khâu Từ,
từ đông sang tây hơn một ngàn dặm, từ nam chí bắc hơn sáu trăm dặm, thành quách
đại đô có chu vi khoảng mười bảy, mười tám dặm.”
Tôi
đang đứng trên một đoạn tường thành, phóng tầm nhìn ra mãi xa. Thu vào trong
tầm mắt là những ngọn núi trùng điệp nối tiếp nhau trên dãy Thiên Sơn, tuyết
rơi trắng xóa. Dưới chân núi là hệ thống tưới tiêu và những thửa ruộng hình chữ
điền vuông vức, rất quy củ, tuyết phủ trắng ruộng đồng, thản hoặc để lộ ra dưới
ánh mặt trời đôi ba khoảng đất tối sẫm.
– Ông
trời ưu ái người Khâu Từ, nên năm nay mới “được mùa tuyết” như vậy.
Rajiva
ngắm nhìn núi Thiên Sơn phía xa xa, hơi thở theo thanh âm lan ra ngoài không
gian.
Tôi
ngước đôi mắt băn khoăn nhìn Rajiva. Cậu mỉm cười giải thích:
–
Khâu Từ vốn là vùng khô hạn, thiếu mưa quanh năm, nếu mùa đông giá lạnh, tuyết
rơi nhiều, thì năm sau mới có đủ nước để trồng cấy.
Đúng
vậy, nơi đây một năm cơ hồ chỉ được vài ba trận mưa, nguồn nước tưới tiêu chủ
yếu dựa vào tuyết trên núi Thiên Sơn tan chảy tạo thành. Tuyết tan, tạo nên
những dòng sông thời vụ, chỉ cần có sông thì sẽ có thể canh tác, trồng trọt.
Những nơi không có nước sẽ bị hoang hóa, biến thành sa mạc, hoang mạc. Diện
tích của các quốc gia ở Tây vực rất nhỏ cũng chính bởi nguyên nhân này.
Bỗng
nhớ ra rằng, ở Khâu Từ hàng năm đều tổ chức lễ hội Su Mu Zhe (Tô Mạc Già), hay
còn gọi lễ hội cầu lạnh. Vào ngày này, người dân Khâu Từ tổ chức các hoạt động
nhằm cầu xin trời Phật ban cho mùa đông giá lạnh, tuyết lớn kéo dài. Thời nhà
Đường, lễ hội này được truyền đến Trung Nguyên, trở thành một trong những lễ
hội quan trọng của vương triều này.
– Lễ
hội cầu lạnh diễn ra vào thời gian nào trong năm?
Tôi
thầm hứa với bản thân, nhất định phải xem ngày hội hiếm có này mới được.
– Đầu
tháng Bảy hàng năm.
– Tuyệt
vời! Tôi nhất định sẽ tham dự.
Tôi xoa
xoa tay, đưa lên miệng hà hơi, rồi hướng mắt lên nhìn Rajiva.
– Cậu
đi cùng tôi, được không?
Cậu ta
hơi sững người, ngoảnh đầu nhìn Thiên Sơn, yên lặng hồi lâu. Sao thế nhỉ, tham
dự một lễ hội chứ có gì nghiêm trọng đâu mà phải suy tính lâu vậy. Không
thích thì tôi rủ Pusyseda đi cùng.
– Ngải
Tình, một trong mười điều cấm kị của Sa Di là phải tránh xa ca múa, lễ hội. Tôi
không được phép đi.
Ánh mắt
không rời dãy Thiên Sơn, giọng nói khô khan, thoáng chút bất lực. Tôi sững
người, chả trách tối qua chỉ nghe tôi hát một bài mà cậu ấy cũng phải hạ quyết
tâm đến vậy!
Nghĩ
đến việc đã vô tình khiến cậu ấy phá giới, tôi cảm thấy rất áy náy.
– Xin
lỗi, tôi không thuộc giới luật nhà Phật. Cậu nói cho tôi biết mười điều cấm kỵ
đó, từ nay tôi sẽ cẩn trọng hơn, không để cậu phải phá giới nữa.
Rajiva
trầm ngâm, cúi xuống nhìn bàn chân hồi lâu, mãi mới khẽ khàng nói:
– Năm
giới luật đầu tiên là: Không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không
uống rượu, không dâm dục.
Những
giới luật này rất quen thuộc, tôi băn khoăn hỏi:
– Có phải
là năm điều cấm kỵ đối với cư sĩ, những người tu tại gia không?
– Năm
điều cấm kỵ dành cho những người tu tại gia chỉ khác những điều cấm kỵ dành cho
Sa Di ở một điểm.
Rajiva
đột nhiên đỏ mặt, không biết có phải tại gió lạnh không? Cậu ta rảo bước đến
một bờ tường thấp, tôi vội vã theo sau.
– Điều
cấm kỵ thứ năm đối với cư sĩ là “không tà dâm”, còn đối với Sa Di là “không dâm
dục” – Rajiva không nhìn tôi, hai mắt dán chặt vào bờ tường.
Bây giờ
thì tôi đã hiểu. Như vậy tức là các cư sĩ có thể kết hôn và “quan hệ” với người
vợ hợp pháp của mình, còn Sa Di thì không được thực hiện hành vi đó với bất cứ
ai trong bất cứ trường hợp nào. Gương mặt Rajiva đỏ như gấc, chắc là vì xấu hổ
khi nhắc đến giới luật này. Tôi vội vàng hắng giọng, hỏi cậu ta năm điều cấm kỵ
tiếp theo là gì.
Chúng
tôi bước xuống tường thành và đi tiếp, Rajiva tiếp tục nói cho tôi nghe về năm
điều cấm kỵ còn lại.
Tránh
xa giường to ghế rộng – nghĩa là không được ngồi lên những chiếc ghế hay giường
vừa cao vừa to vừa được trang trí sơn son thếp bạc.
Tránh
xa hoa thơm hương nồng – nghĩa là không được xức dầu thơm hoặc đeo những vòng
hoa có mùi hương lên người. Đây hoàn toàn là thói quen của người Ấn Độ.
Tránh
xa ca múa hội hè – nghĩa là không được xem biểu diễn ca múa nhạc. Điều này, khi
nãy Rajiva đã giải thích với tôi.
Tránh
xa của cải vật chất – điều này rất dễ hiểu, nghĩa là không được sở hữu vàng bạc
châu báu.
Tránh
xa bữa ăn khác giờ – nghĩa là phải tuân thủ giới luật không ăn uống sau giờ
Ngọ. Điều cấm kỵ này tôi đã biết từ lâu và cũng đã được chứng kiến.
Chúng
tôi vừa đi vừa trò chuyện, chẳng bao lâu đã đến quảng trường rộng lớn bên ngoài
cổng thành phía tây Khâu Từ. Những bức tượng Phật cao chừng bốn, năm mét tọa
lạc dọc hai bên con đường hướng ra quảng trường, tạo cho cảnh quan vẻ uy
nghiêm, trầm mặc. Giá như có thể bảo tồn đến thời hiện đại, chúng ta sẽ có một
di tích lịch sử nguy nga đến nhường nào.
Rajiva cho
tôi biết đây là nơi tổ chức một lễ hội lớn diễn ra năm năm một lần. Lễ hội lớn
này vốn là phong tục của Phật giáo, được tổ chức năm năm một lần và được chủ
trì bởi các quốc vương tại các quốc gia tín Phật. Đến lúc đó, không chỉ có các
cao tăng ở khắp mọi nơi tụ hội về, mà khách thập phương cũng nô nức kéo đến.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, sẽ có rất nhiều các hoạt động như: giảng kinh,
biện kinh, phát lộc, cúng dường… Mọi chi phí đều cho quốc vương đài thọ.
Tôi đã
hiểu, ở Trung Nguyên cũng có lễ hội tương tự, gọi là “lễ hội mở”. Mở tức là
không che đậy, không giấu giếm, dù là tăng ni Phật tử hay dân thường đều được
đối xử bình đẳng như nhau.
Rajiva
yên lặng đứng chờ tôi đo đạc và vẽ hình chiếu bằng khung cảnh quảng trường. Tôi
phác hoạ các bức tượng bằng hình chiếu đứng vì tài vẽ tranh của tôi rất kém,
tôi cũng không muốn Rajiva phải chờ lâu, thiết nghĩ, tôi sẽ còn quay lại đây
nhiều lần và sẽ vẽ lại thật chi tiết. Rajiva dẫn tôi đi về phía tây bắc của
quảng trường, có một dòng sông hẹp chảy qua, nhưng mặt sông đã đóng băng. Bên
bờ đối diện là một ngôi chùa lớn, đồ sộ. Tôi muốn đến đó tham quan. Cây cầu bắc
qua dòng sông nằm trên triền núi phía xa. Vì muốn tiết kiệm thời gian và sức
lực, chúng tôi quyết định đi bộ qua sông băng.
Mặc dù
lớp băng đã kết lại và rất cứng, nhưng tôi là người sinh ra và lớn lên ở phía
nam sông Trường Giang, tôi không biết gì về kỹ năng trượt băng, hay đi trên
tuyết dày vào mùa đông mà đứa trẻ phương bắc nào cũng thành thạo. Tôi sợ sệt,
run rẩy, không dám đặt chân xuống mặt băng. Một bàn tay gầy guộc với những ngón
dài thanh mảnh chìa ra trước mặt tôi, không kịp suy nghĩ gì, tôi vội vàng nắm
chặt lấy. Bàn tay với hơi ấm mềm mại và một chút trơn ướt ấy thận trọng dắt tôi
đi, hai mắt tôi mở to, nhìn trân trân xuống mặt băng dưới chân, lo sợ sẽ bị
trôi tuột xuống một khe hở nào đó. Mãi mới sang được bờ bên kia, tôi thở phào
nhẹ nhõm, định ngẩng lên nói lời cảm ơn với Rajiva, bỗng thấy trước mắt toàn là
một vùng u tối với những chấm đen lốm đốm, khuôn mặt Rajiva cũng trở nên mờ ảo
phía sau màn sương u ám đó.
Tôi gào
lên:
– Rajiva,
sao tôi không thấy cậu?
Chợt
cảm thấy có một bàn tay che mắt tôi lại và một cánh tay khác vòng qua đỡ lấy
vai tôi, tôi nép vào một thân hình mảnh khảnh và được đưa đến một nơi có chỗ để
ngồi xuống.
– Đừng
sợ, cứ nhắm mắt lại, một lát nữa là không sao.
Hơi thở
của Rajiva thổi vào tai tôi, cảm giác gai gai. Từ bé đến lớn, tôi sợ nhất là
người khác thổi vào tai, nên với phản xạ tự nhiên, tôi lập tức né đầu, không
may lại va vào cằm của cậu ta. Hai chúng tôi cùng kêu lên một tiếng đau điếng.
– Có đau
không?
– Có đau
không?
Chúng
tôi đồng thanh cất tiếng hỏi thăm người kia, tôi hơi bất ngờ, nhưng chẳng muốn
nghĩ nhiều, đưa tay lên day đi day lại phần đỉnh đầu vừa va chạm, miệng không
ngừng xuýt xoa. Tôi đau dữ như vậy, Rajiva chắc cũng không dễ chịu gì, nhưng
cậu ta không hề kêu đau, không biết đang nghĩ ngợi gì.
Một lúc
sau mới lên tiếng:
– Lỗi ở
tôi, lẽ ra nên nhắc cô đừng nhìn chăm chú xuống lớp băng ấy lâu quá.
Lại một
hơi thở nhè nhẹ trôi vào tai tôi, nhưng lần này tôi không dám tránh. Tôi hắng
giọng xua đi hơi nóng đang bừng lên hai má.
– Rajiva,
tôi sẽ không bị mù chứ?
– Không
đâu.
Nói là
không mà sao giọng cậu ta lại hơi run run. Tôi hoảng sợ, kéo tay áo Rajiva, vội
vàng hỏi:
Nếu tôi
bị mù thì phải làm sao?
Bàn tay
Rajiva vẫn che trên mắt tôi, cánh tay còn lại khẽ đỡ vai tôi. Mặc dù chỉ là
những động chạm khẽ khàng, nhưng qua lớp áo bông, tôi vẫn cảm nhận được cánh
tay gầy gò, mảnh khảnh của cậu ta. Cậu ta lẳng lặng đáp: không đâu, nhưng trong
ngữ điệu đã không còn sự run rẩy như lúc trước nữa. Tôi lấy làm khó hiểu, cậu
ta làm sao vậy nhỉ?
Ngồi
yên một lát, Rajiva bỏ tay xuống và bảo tôi mở mắt ra. Khuôn mặt thiếu niên
thuần khiết dần dần hiện ra sống động trước mặt tôi. Đôi mắt như hai vực nước
sâu đang chăm chú quan sát tôi với vẻ lo lắng, gương mặt vẫn đỏ ửng như gấc
chín. Chưa bao giờ chúng tôi gần nhau đến thế. Trong khoảnh khắc, dường như tôi
nghe thấy tiếng tim mình loạn nhịp.
Tôi
đứng bật dậy:
– Tôi
không sao, đi thôi.
Rajiva
bừng tỉnh, vội vàng lùi lại phía sau, khuôn mặt càng lúc càng đỏ, màu đỏ át cả
màu da bánh mật, đỏ đến tận phần cổ đã được che kín bởi lớp áo nâu sòng. Đây là
lần đầu tiên chúng tôi có những cử chỉ thân mật như vậy, đừng nói là Rajiva,
bản thân tôi cũng không biết phải giấu mặt vào đâu nữa.
Tôi
bước đi vờ như không có chuyện gì xảy ra. Cậu ta hơi ngạc nhiên, vội vàng bước
theo tôi, khuôn mặt mãi vẫn chưa hết đỏ. Tôi hắng giọng, làm bộ nghiêm trang
hỏi:
– Chùa
này là chùa gì?
Rajiva
ngẩng đầu, ổn định hơi thở, bình tĩnh đáp:
– Là
chùa Acharya. Cô còn nhớ chứ, tôi từng dạy cô, ‘Acharya’ nghĩa là ‘kỳ lạ’.
– Vì
sao lại có tên là ‘kỳ lạ’?
Ngày
trước có một vị vua sùng đạo Phật, ông muốn đi du ngoạn khắp nơi kiếm tìm và
chiêm bái Phật tích, nên giao lại công việc triều chính cho người em trai.
Trước khi vua lên đường, người em trao cho ngài một chiếc túi thơm, dặn dò phải
chờ đến khi trở về mới được mở ra xem. Ngày vua về nước, có người tố giác em
vua thác loạn trong cung. Vua nổi trận lôi đình, tống giam người em vào trong
ngục, chờ ngày xử tội. Người em nhắc nhở vua mở chiếc túi thơm ngày trước ra
xem. Khi mở ra, nhà vua nhìn mà không hiểu, mới hỏi người em bên trong là thứ
gì?
Rajiva
đột nhiên ngừng lại, khiến tôi sốt ruột:
Là thứ
gì vậy?
– Cậu ta
cứ chần chừ, sắc đỏ trên gương mặt thanh tú vừa nhạt bớt đã lại ửng lên.
Tôi nhớ
ra rồi. Trong “Đại Đường Tây vực ký”, Huyền Trang từng ghi lại câu chuyện này.
– Là cơ
quan sinh dục của người em, đúng không?
Tôi xoa
tay lấy hơi ấm, trong lòng vui mừng khôn tả, thật không ngờ, tôi sẽ được chiêm
ngưỡng ngôi chùa “kỳ lạ” này trước Huyền Trang những hai trăm năm.
– Người
em này thật đáng khâm phục. Ông ta sớm biết sẽ có kẻ hãm hại mình mà ông chẳng
thể chứng minh mình trong sạch, nên đã tịnh thân làm thái giám, cốt để bảo toàn
tính mạng.
Tôi
không nhịn được, bật cười ha hả:
– Có
điều, cái giá phải trả cao quá!
Rajiva
lạ lùng nhìn tôi, có lẽ vì không thể tin được tôi lại có thể thảo luận rất tự
nhiên vấn đề nhạy cảm đó không chút e dè. Tôi biết ý, không cười nữa, gượng gạo
hỏi:
– Sau đó
thì sao?
– Người
em nói với vua rằng: Ngày trước, khi đức vua lên đường đi du ngoạn, người em lo
sợ sẽ có kẻ buông lời gièm pha hòng hãm hại mình, nên mới bất đắc dĩ nghĩ ra
cách này. Chẳng ngờ, tai họa quả đã xảy ra. Nhà vua vô cùng kinh ngạc, sau thấy
thương em, bèn cho phép người em được tự do ra vào trong cung. Vào ngày nọ,
trên đường đi, người em tình cờ gặp một lái buôn đang lùa theo năm trăm con bò,
nói rằng sẽ đưa đi thiến. Người em cảm thấy đó là nghiệp chướng do mình gây
nên, mới động lòng trắc ẩn, dùng tiền chuộc lấy đàn bò. Sau đó, cơ thể của
người em dần dần trở lại bình thường như xưa. Vì không muốn bị kẻ xấu tiếp tục
hãm hại, người em không ra vào cung nữa. Nhà vua thấy lạ, hỏi ra mới biết đầu
đuôi câu chuyện. Nhà vua bèn hạ chỉ xây chùa này và đặt tên là “kỳ lạ”, đến nay
đã được hơn ba trăm năm.
Tôi
không kìm chế được lại bật cười ha hả:
– Không
thể tin được! Cái đó có thể mọc trở lại được ư? Hay là người em vốn dĩ không hề
cắt bỏ đi. Hoặc không xử lý đến nơi đến chốn.
Rajiva
làm bộ lạnh lùng, nhưng hai gò má vẫn ửng đỏ, giọng nói chắc nịch:
– Người
em chuộc lấy đàn bò, tích nhiều công đức, Phật tổ đại từ đại bi dùng pháp lực
của mình phục hồi sức khỏe cho người em, sao lại nói người đó cố ý lừa gạt?
Chính nhờ điển tích kỳ lạ này mà nơi đây đã sản sinh ra không biết bao nhiêu vị
cao tăng đắc đạo. Tăng sĩ tử nhiều nơi khác nghe tiếng đã nô nức kéo về đây học
đạo. Quốc vương cùng các đại thần hết lòng ủng hộ, công đức, nhờ vậy hơn ba
trăm năm qua, hương khói chưa bao giờ tắt trong chùa. Nếu Phật tổ không cảm
động trước tấm lòng của người em, nếu không nhờ pháp lực của Ngài, thì làm sao
giải thích được điều này?
Tôi tự
phạt bằng cách tát khẽ vào miệng mình, tôi không nên làm tổn thương tình cảm
tôn giáo của cậu ta! Chuyện này thực ra cũng rất khó giải thích thỏa đáng. Vì
người trong cuộc không còn, cũng không thể kiểm tra, chỉ có thể tin rằng truyện
kể đó là có thật thôi!
Chúng
tôi vừa đi vừa trò chuyện, một lúc đã đến trước cổng chính của ngôi chùa. Vị sư
chúng tôi gặp ngoài cổng nhìn thấy Rajiva đã vội vã đi thông báo cho trụ trì.
Chưa vào đến đại điện, trụ trì đã dẫn theo mấy vị cao tăng hòa thượng ra nghênh
đón chúng tôi. Vị trụ trì cao tuổi tỏ ra rất cung kính khi trò chuyện với
Rajiva.
Rajiva
giới thiệu tôi là giáo viên tiếng Hán của cậu và vì sang xuân tôi phải rời khỏi
Khâu Từ, nên hôm nay dẫn tôi đi tham quan một vòng thành phố. Trụ trì nghe
xong, tỏ ý hoan nghênh, đích thân dẫn đường và giới thiệu tỉ mỉ cho chúng tôi
về ngôi chùa. Chùa Acharya đồ sộ hơn nhiều so với chùa Tsio- li, nhờ
có câu chuyện ly kỳ đó, lượng người đến đây thắp hương cúng bái rất đông. Cột
trụ mái hiên trong các gian thờ rất cao, thoáng và rộng, tượng Phật được điêu
khắc và trang trí tinh xảo, tranh vẽ trên tường cũng sống động với những đường
nét phức tạp. Tôi vừa ngắm nhìn vừa ca tụng. Lòng khát khao được họa lại những
bức vẽ tài hoa đó.
Đi hết
một vòng, tôi ngượng ngùng xin phép đi giải quyết vấn đề cá nhân. Trụ trì cử
một chú tiểu đưa tôi đi. Không muốn bắt cậu ta đứng chờ ở cửa, tôi bảo cậu ta
về trước, rồi tôi sẽ tự tìm đường về sau.
Từ nhà
xí bước ra, đang chuẩn bị quay lại đại điện, tôi bỗng nghe thấy tiếng thì thầm
to nhỏ của hai nhà sư ở một góc khuất tại một hướng rẽ khác, họ nhắc đến tên
Kumarajiva. Tôi thấy tò mò, bước chậm lại, ghé tai nghe trộm. Họ trò chuyện
bằng tiếng Tochari, nhưng tôi có thể nghe hiểu gần hết.
– Tên
Kumarajiva dám đưa con gái vào trong chùa lễ Phật, cô ta lại là người Hán nữa
chứ. Giáo viên tiếng Hán cơ đấy, không ngờ hắn lại mời phụ nữ làm thầy dạy, ai
mà biết được quan hệ thật sự của họ là gì?
– Gia thế
của hắn khác chúng ta, dĩ nhiên hắn có thể không coi giới luật ra gì, ai dám
trách tội hắn kia chứ?
– Hắn
được ăn sung mặc sướng, lại còn được người hầu kẻ hạ, ai bảo chúng ta không có
người cha là quốc sư, có người mẹ là công chúa như hắn. Nhưng hắn quá xem
thường giới luật. Ngày ngày ra vào chùa không xin phép trụ trì, giờ tụng kinh
buổi sáng và buổi tối, thích đến thì đến thích đi thì đi. Tu hành như thế, làm
sao mà đắc đạo được?
– Nghe
nói, ngoài Phật pháp chính tông, hắn còn lén lút nghiên cứu kinh văn Đại Thừa
nữa đó. Hắn còn dám tranh luận với các sư phụ về những thứ kinh văn sai trái
ấy, thật không coi các thầy ra gì.
– Đúng
thế, loại người này…
Tôi
không muốn nghe tiếp, lặng lẽ quay về đại điện. Trong truyện ký của Rajiva có
mô tả cậu là người “tính cách thẳng thắn, phóng khoáng, không chịu gò bó, khác
với những người tu hành khác”. Đối với người tu hành mà nói, trí tuệ siêu việt
giống như con dao hai lưỡi. Xuất thân quyền quý của Rajiva làm tăng thêm ưu thế
mà tài năng thiên bẩm mang lại cho cậu, nhưng đồng thời cũng gây thêm bất lợi
cho cậu. Tôi có thể hiểu vì sao những nhà sư đó ác cảm với Rajiva đến vậy, có
điều tôi cảm thấy rất khó chịu khi phải nghe những lời nói không hay về Rajiva.
Tôi bỗng cảm thấy hết sức bực bội!
Khi
chúng tôi rời khỏi chùa “kỳ lạ”, Rajiva ngỏ ý muốn đưa tôi đi tham quan thêm
nơi khác. Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn một tiếng nữa là đến giờ tụng kinh buổi
chiều, đành thở dài giục cậu ta mau chóng quay về chùa Tsio – li. Tôi không cho
rằng những giới luật hay những quy tắc kia là quan trọng, nhưng tôi biết, mỗi
lời nói và hành động của cậu ấy đều không lọt khỏi tầm mắt của những người
khác. Mà dù thế nào, Rajiva cũng không thể tách ra khỏi thế giới tăng sĩ của
cậu ấy.
Cậu ta
hơi ngạc nhiên, nhưng nhìn lên thấy bầu trời đang tối dần, lập tức hiểu ý tôi,
liền bảo sẽ đưa tôi về phủ quốc sư trước. Tôi từ chối, nói rằng tôi biết đường,
sẽ tự đi về. Tôi không muốn nghe người khác viện vào mối quan hệ giữa tôi và
Rajiva để bôi nhọ thanh danh của cậu ấy.
Mặt cậu
ta hơi biến sắc, nhìn tôi ngơ ngác:
– Ngải
Tình, cô đã nghe được điều gì phải không?
Tôi lắc
đầu.
– Dù cô
nghe thấy điều gì, tôi cũng không hề bận tâm.
Cậu ta
bảo không bận tâm, nhưng giọng nói vẫn đượm vẻ giận dữ. Vung tay áo ra sau,
ngẩng cao đầu, nói:
– Rajiva
làm việc gì cũng không chịu sự trói buộc của những lề thói lạc hậu, chỉ cần
không thẹn với lòng mình.
Tôi lại
thở dài. Thân phận cao quý và một trí tuệ hiếm có khiến cậu ấy ngay từ thời
niên thiếu đã vang danh khắp chốn, nhưng đồng thời cũng “tạo điều kiện” để cậu
ấy trở nên xem nhẹ những giới luật của nhà Phật, lúc nào cũng tỏ ra ngang tàng
như vậy. Nhưng Rajiva ơi, thái độ bất chấp đó của cậu chẳng qua cũng là vì bất
đắc dĩ mà thôi.
Hôm đó,
tôi kiến quyết đi về một mình. Tôi chỉ là một lữ khách đi bên cạnh cuộc đời
Rajiva. Tôi không muốn trong những đồn đoán không hay về cậu ấy lại có thêm một
nhân tố là tôi nữa.
Khi tôi
về đến phủ quốc sư, một thân hình nhỏ bé, được quấn ủ rất ấm áp lao như bay vào
lòng tôi, giọng điệu nũng nịu trách cứ, rằng vì sao cả ngày trời không thấy
bóng dáng tôi đâu. Tôi vui vẻ dắt tay cậu nhóc cùng chơi trò trốn tìm. Tiếng
cười lanh lảnh vang rộn cả khu vườn, xua tan mọi buồn phiền của tôi. Chơi đùa
được một lúc thì bóng chiếc áo choàng màu nâu sòng đột nhiên xuất hiện trước
cổng. Cậu ta lại trốn giờ tụng kinh buổi chiều rồi!