Vào
buổi trưa của ba ngày sau đó, một ốc đảo xanh mướt xuất hiện trước mắt tôi. Bao
nhiêu ngày qua, tôi đã chán ngán với sắc vàng đơn điệu của mênh mông cồn cát,
hôm nay, được nhìn thấy sắc xanh ngút ngàn thế này, tôi hưng phấn đến độ nhảy
cẫng lên gào thét. Chứng kiến điệu bộ “hoang dại” ấy của tôi, Kumalajiba chỉ
biết lắc đầu thở dài rồi cười và cho tôi biết, nơi đây chính là Wensu.
Wensu,
địa danh này cậu ta đã nhắc đến trong ngày đầu gặp tôi. Nghe khá quen, chắc
chắn phải có âm tiếng Hán tương đương, nhưng tôi không nhớ ra.
Mải mê
lục tìm dữ kiện bộ nhớ, đoàn người đã đến cổng thành lúc nào mà tôi không hay.
Không gian tưng bừng âm nhạc đặc trưng vùng Tây Vực, những khúc điệu tươi vui
rộn rã. Một đội ngũ hùng hậu chỉnh tề nghênh đón chúng tôi.
Hai bên
đường có rất nhiều lán trại. Bên trong không có người, chỉ đặt một số tượng
Phật. Dựa trên trình độ điêu khắc mà tôi quan sát được, thì đó đều là những pho
tượng quý giá. Dân chúng ở hai bên đường đều đứng lên chào đón, từng chậu hoa
tươi được cung kính dâng lên đến trước mặt hai mẹ con tiểu hòa thượng. Hai
người chắp tay lễ tạ, đón hoa tươi mang đến rắc lên mình các bức tượng phật[5].
Trong
chuỗi nghi thức kỳ lạ đó, tôi chú ý đến người đàn ông dẫn đầu: khoảng bốn mươi
tuổi, thân hình cường tráng vạm vỡ, đầu để mái lửng, nhưng phía sau gáy lại tết
thành những lọn dài, rồi búi ngược lên đỉnh đầu và được quấn lại bởi một mảnh
khăn thêu kim tuyến. Người đó đội một chiếc mũ miện bằng vàng khắc hình long
phụng, khoác áo choàng đỏ có viền thêu hình thoi, đính châu báu, phía trước là
những hình tròn thêu chỉ vàng lấp lánh, ống chân thì… Đấy, tôi lại mắc bệnh
nghề nghiệp rồi, lúc nào cũng quan sát chi tiết những người đối diện như quan
sát một hiện vật nghiên cứu.
Tuy
không hiểu họ nói gì, nhưng tôi đoán đó là đoàn người ra nghênh đón khách quý,
gồm các thành viên của hoàng thất và người đàn ông khoác trên mình trang phục
quyền quý kia chính là nhà vua. Tuy ni cô xinh đẹp Jiba cũng được chào đón nồng
hậu và cung kính, nhưng rõ ràng đối tượng của nghi thức nghênh tiếp hết sức
long trọng này không ai khác, chính là Kumalajiba.
Từ lâu
tôi đã nghĩ rằng Kumalajiba không phải một nhà sư tầm thường, nhưng cậu ta mới
mười ba tuổi, làm sao đã có thành tựu gì xuất chúng. Chắc hẳn cậu ta còn có
thân phận gì khác ngoài là một nhà sư, ví như là con cháu nhà vua chẳng hạn.
Không lẽ cậu ấy là hoàng tử? Trước khi đắc đạo, Phật Thích Ca cũng từng là
hoàng tử đấy thôi.
Chúng
tôi được sắp xếp ở lại trong một cung điện hoa lệ (mà không phải tại một ngôi
chùa nào đó như tôi nghĩ). Tuy nói là hoa lệ, nhưng không thể so sánh với cung
điện ở Trung Nguyên được. Tây Vực vốn là vùng khô hạn, nhà ở được xây cất rất
đơn sơ với vật liệu chính là gỗ và đất sét và mái nhà là kiểu mái bằng. Nhưng ở
đây, tường nhà làm bằng đất sét đã được coi là xa hoa rồi. Thông thường chỉ có
quan lại, đền chùa miếu mạo và hoàng cung mới được xây dựng như vậy.
Nơi
chúng tôi nghỉ ngơi là một dinh cơ rộng lớn với năm gian phòng. Vị quốc vương
kia còn cử thêm mười người hầu đến phục vụ chúng tôi. Tôi được ở riêng một
phòng, Jiba cũng dành cho tôi một người hầu nữ. Yêu cầu đầu tiên mà tôi đưa ra
là: tôi muốn tắm rửa.
Những
thứ mà các cuốn tiểu thuyết thường nhắc đến như: suối nước nóng, hoa thơm, chậu
tắm cỡ lớn, ở đây đều không có. Có thể nói là điều kiện sinh hoạt khá nghèo
nàn, xà bông ở đây còn lâu mới thơm bằng xà bông của thế kỷ XXI. Nhưng tôi vẫn
cảm thấy vô cùng sảng khoái, vì sau hơn mười ngày ròng rã dầm mình trong gió
cát sa mạc, cuối cùng tôi đã được tắm gội sạch sẽ.
Giờ học
buổi tối, không kìm được sự tò mò, tôi lại gợi ý tiểu hòa thượng kể về xuất
thân của cậu, nhưng Kumalajiba bình thản đến mức lạnh lùng, trả lời rằng:
– Những
thứ như mắt, mũi, tai, miệng, lưỡi, thân thể hay ý thức đều không tồn tại thực
sự, huống hồ là tên tuổi và xuất thân.
Lại là
thuyết duy tâm của đạo Phật, trả lời như vậy cũng bằng không. Tôi giận dỗi:
– Vâng
vâng vâng, tứ đại giai không, mọi thứ đều không tồn tại. Trương Sinh nằm mơ hóa
thành hồ điệp, tỉnh lại không biết rốt cuộc là mình mơ hóa thành hồ điệp hay hồ
điệp hóa thành mình, thế được chưa!
Điển cố
Trương Sinh nằm mơ hóa thành hồ điệp mà tôi vô tình thốt ra khơi gợi hứng thú
đặc biệt đối với tiểu hòa thượng, cậu nằng nặc đòi tôi kể câu chuyện đó. Đành
vậy:
– Thời
Xuân Thu ở Trung Nguyên có một triết gia tên Trương Châu. Một hôm, ông nằm mơ
thấy mình hóa thành bươm bướm, bươm bướm bay lượn hết sức sinh động. Ông vô
cùng vui sướng, đến mức quên cả mình là Trương Châu. Khi tỉnh lại, ông không
khỏi kinh ngạc khi nhận ra mình chính là Trương Châu. Đời người như một giấc
mơ, vì vậy Trương Châu không biết rốt cuộc là ông nằm mơ thấy mình hóa thành hồ
điệp hay hồ điệp nằm mơ thấy mình hóa thành ông.
Tiểu
hòa thượng trầm tư một lát, rồi nói:
– Ở Ấn
Độ, người ta tin rằng: Mọi thứ trên đời đều là giấc mộng của Brahma, khi Brahma
tỉnh lại, thế gian này sẽ biến mất, không tồn tại bất cứ thứ gì.
Tôi thở
dài, suy nghĩ như vậy thì thật là bi quan. Không muốn tiếp tục chủ đề duy tâm
ấy nữa, tôi hỏi:
–
Brahma có phải là Phạm Thiên (đấng sáng tạo theo quan điểm Bà La Môn) không?
Brahma,
cách phát âm này rất quen thuộc. Theo trí nhớ của tôi thì đó là một trong ba
đấng sáng tạo của Ấn Độ giáo, gồm: Brahma, Shiva và Vishnu. Tôi từng đến Ấn Độ
và cũng từng viết một số bài nghiên cứu về Ấn Độ giáo, nên cũng có chút hiểu
biết.
– Phạm
Thiên ư?
Kumalajiba
dùng bút chì viết hai chữ đó lên tập giấy nháp của tôi rồi nghiêng đầu suy
nghĩ:
– Đã có
lần cô nói rằng “Phạm” nghĩa là thanh tịnh, tránh xa mọi ham muốn. Brahma là
đấng sáng tạo ra thế giới và vạn vật, gọi Brahma bằng tên “Phạm Thiên” quả là
một cách dịch thông thái. Ngải Tình, tôi nghe nói đạo Phật chưa phát triển ở
Trung Nguyên, nhưng ở đó có người thông minh, kiến thức uyên thâm như cô thế
này, một ngày không xa, Phật giáo Trung Nguyên chắc chắn sẽ hưng thịnh.
Tôi ấp
úng không biết trả lời ra sao. Thế là lôi lại vô tình đánh cắp thành quả dịch
thuật của người khác rồi! Xin tạ lỗi với ngài Kumarajiva, ngài Huyền Trang,
Nghĩa Tịnh và nhiều dịch giả kinh Phật khác, tôi không hề cố ý!
Buổi
tối trước khi đi ngủ, một câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu tôi. Tôi vượt qua
giới hạn không gian và thời gian hàng ngàn năm để đến trước mặt Kumalajiba, tôi
có tồn tại thật sự không? Lẽ nào không ư? Phải chăng tôi cũng đang nằm mơ mà
không biết?
Lần đầu
tiên tôi nghĩ về sự xuất hiện của mình ở nơi đây và thấy buồn ảo não.
Chúng
tôi ở lại Wensu. Tôi có hỏi Kumalajiba khi nào sẽ khởi hành đi Kucha, tôi hứng
thú với quốc gia rộng lớn đó hơn là tiểu quốc nhỏ bé này. Nhưng cậu ta bảo đã
được mời đến đăng đàn thuyết giảng về Phật pháp tại một ngôi chùa lớn của hoàng
gia trong vòng bảy bảy bốn mươi chín ngày. Và cậu ta cũng dành cho tôi một vị
trí khách mời trong những ngày đó.
Vậy
nên, lúc này, tôi đang ngồi bên Jiva, đưa ánh mắt hiếu kỳ quan sát bốn phía.
Chúng
tôi ngồi giữa đại điện to rộng trong một ngôi chùa lớn của hoàng gia. Tượng
Thích Ca mâu Ni cao khoảng hai mét, mạ vàng, được đặt trên một bệ đỡ ở chính
giữa. Bốn phía là những lối đi hẹp dành cho Phật tử và khách thập phương đến
dâng hương, cúng lễ. Đại điện được dựng lên với trụ gỗ và các bức tường bằng
đất sét, ánh sáng chỉ có thể lọt vào qua cửa chính, vì vậy khắp nơi trong đại
điện đều thắp đèn dầu. Đó là kiến trúc của một ngôi chùa Phật giáo Tiểu Thừa
điển hình, có nhiều điểm khác so với những ngôi chùa Phật giáo Đại Thừa phát
triển rầm rộ ở Trung Nguyên thời gian sau này.
Sáng
sớm, Kumalajiba đã cùng các tăng sĩ ngồi xếp bằng tụng kinh. Hơn trăm nhà sư
tọa thiền chật kín đại điện vốn không lấy gì làm rộng rãi này. Phía bên phải
trên chỗ ngồi dành cho khách quý có quốc vương và hơn mười đại thần, những
người hôm qua đã ra tận cổng thành nghênh đón mẹ con Kumalajiba. Phía bên này
là một nhóm phụ nữ, trong đó có tôi và Jiva, nhìn trang phục của họ thì có lẽ
là hoàng hậu và các phu nhân.
Kumalajiba
ngồi trên bục cao nhất phía trước tượng Phật, trên mình khoác áo cà sa thêu kim
tuyến lấp lánh, vẻ mặt thành kính, pháp tướng trang nghiêm. Khi tiếng tụng kinh
vang lên, thì ngay cả nhà vua và hoàng hậu cũng lầm rầm tụng niệm theo, chỉ
mình tôi ngượng ngùng, đầu cúi thấp để không ai chú ý đến. Tất cả những câu
kinh Phật mà tôi biết là: Úm ma ni bát ni hồng và Nam mô a di đà Phật. Thế là
tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại những câu đó khoảng năm trăm lần thì thời gian tụng
kinh kết thúc. Sau đó, Kumalajiba bắt đầu thuyết giảng.
Tôi nhớ
lần đi du lịch Ai Cập và đến tham quan ngôi đền Muhammad Ali, tôi đến đúng vào
lúc một vị giáo sĩ đang thuyết giảng kinh Coran, dưới sảnh là hàng trăm tín đồ.
Tôi quấn khăn trên đầu, mặc áo dài, quần dài (đó là quy định khi vào đền đối
với nữ giới), ngồi xuống giữa đám đông và bắt chước họ hành lễ. Tôi không phải
tín đồ Hồi giáo, tôi chỉ muốn xem những người theo đạo Hồi hành lễ ra sao thôi.
Vị giáo sĩ miệt mài thuyết giảng, chốc chốc lại làm một động tác tay dứt khoát.
Tôi vốn không biết tiếng Ả rập, nghe không hiểu gì, nên chỉ được một lúc, tôi
bắt đầu chán nản. Nhưng nhìn vẻ mặt thành kính của những người xung quanh và
không khí yên lặng tuyệt đối trong điện thờ, tôi không dám đứng dậy ra về, vì
tôi sợ làm thế sẽ giống như một hành vi xúc phạm đối với những tín đồ sùng đạo
này. Bàn chân tôi tê dại đi sau hơn một tiếng ngồi nghe thuyết giảng. Từ đó về
sau, tôi tự nhủ lòng, sẽ không bao giờ cúng khấn hành lễ gì hết.
Thế mà
giờ đây tôi lại rơi vào tình cảnh đó. Nhưng bù lại, Kumalajiba điển trai hơn
nhiều so với vị giáo sĩ Hồi giáo và giọng nói của cậu ta lại rất ấm áp, truyền
cảm. Có điều, vấn đề gay go nhất vẫn là: tôi nghe không hiểu. Phải tiếp nhận
những giáo lý Phật pháp uyên thâm bằng tiếng Phạn thế này chẳng khác nào ngày
xưa tôi phải nghe vị giáo sĩ nọ thuyết giảng kinh Coran bằng tiếng Ả rập. Nhưng
hàng trăm nhà sư, rồi cả quốc vương và hoàng hậu đều đang lắng nghe say sưa,
làm sao tôi có thể đứng lên và ra về được.
Tôi
cũng không dám ghi chép vẽ vời gì, sợ sẽ gây sự chú ý. Vì vậy, sau khi lặp đi
lặp lại năm lần phương pháp nghiên cứu đối tượng bằng cách đặt tên, cơn buồn
ngủ bắt đầu tấn công tôi, đó là kết quả tất yếu của việc thức giấc vào lúc bốn
giờ sáng. Giờ tụng kinh buổi sáng bắt đầu lúc năm giờ, tôi thật sự khâm phục
nghị lực của các hòa thượng. Buồn ngủ quá mà không thể gục xuống làm một giấc
giữa đám đông tăng ni Phật tử này, tôi đành ngọ ngoạy tay chân trên tấm đệm, cố
gắng vận động khẽ khàng để không gây ra sự chú ý.
Cảm
giác có ai đó đang nhìn mình, là Kumalajiba. Tôi chu mỏ lè lưỡi chọc cậu ta,
rồi đưa tay xoa phần mông tê dại. Cậu ta khẽ mím môi, cố nhịn cười, nói thêm
vài câu, rồi dừng hẳn. Tôi bắt chước những người khác đứng lên chắp tay, hành
lễ với Kumalajiba.
Nhà vua
phát biểu tổng kết đôi ba câu, rồi ngài vỗ tay, các cung nữ tiến vào, mỗi người
bưng trên tay một chiếc bàn nhỏ xếp đầy đồ ăn, lần lượt đặt trước mặt từng
thượng khách. Những người còn lại thì được phát đồ ăn đến tận tay, mỗi người
một phần. Tôi nhìn thức ăn trên bàn, mắt hoa đi.
Có các
loại quả vốn là đặc sản của Tân Cương như nho và dưa gang. Và tất nhiên không
thể thiếu bánh nướng Tây Vực. Nhưng còn gì nữa thế kia? Béo ngậy và thơm phức,
thịt nướng ư? Nhìn có vẻ giống thịt dê nướng. Thịt dê nướng Tân Cương vốn nổi
tiếng cả nước. Tôi nuốt nước bọt ừng ực vì đã gần mười ngày không được ăn mặn.
Nhưng điều lạ lùng là, không chỉ tôi, quốc vương và một số vị khách khứa của
thế giới trần tục khác, tất cả các nhà sư đều được chia phần ăn mặn. Cả đại
điện bỗng chốc tỏa đầy mùi thơm của thịt nướng. Nhà vua hạ chỉ dùng bữa và
những âm thanh nhai nuốt giòn giã bắt đầu vang lên.
Tôi đưa
mắt quan sát Kumalajiba và thấy cậu ta cũng đang ăn thịt, tuy động tác từ tốn,
nho nhã, nhưng vẫn khiến thị giác của tôi chấn động dữ dội. Chợt nhớ ra, những
tăng sĩ này theo giáo phái Phật pháp Tiểu Thừa và hình như giới luật của giáo
phái này cho phép các nhà sư ăn thịt. Nhưng như thế vẫn chưa đủ rõ ràng, tối
nay phải hỏi lại Kumalajiba mới được. Tôi cắn thử một miếng, không ngon lắm,
những muối là muối, không có ớt, không có rau thơm, không ngon bằng thịt nướng
ở quán đồ ăn vặt trước cổng trường tôi học.
Sau khi
đánh chén no nê, tôi buồn đi tiểu. Nghĩ về bốn mươi tám ngày dài đằng đẵng tiếp
theo mà thấy ngán ngẩm. Lúc tôi quay lại, Kumalajiba đã đứng chờ sẵn ở cửa, ánh
nắng buổi sớm phủ lên người tiểu hòa thượng những tia sáng lấp lánh. Cậu ta
chớp mắt, nhìn tôi khẽ cười:
– Ngải
Tình, tôi biết cô nghe không hiểu, nếu bắt cô tiếp tục ngồi như thế sẽ rất khó
chịu. Tôi đã xin phép hoàng thượng để cô không phải tham gia những buổi giảng
kinh tiếp theo nữa.
Tuyệt
vời! Tôi nhảy lên sung sướng, định lao đến ôm lấy cậu ta, nhưng kịp nhớ ra cậu
là là hòa thượng, nên thôi. Tôi vội vàng cảm ơn rồi ba chân bốn cẳng chạy biến,
tiếng cậu ta gọi với từ phía sau:
– Cô về
phòng ôn tập bài học hôm qua đi, tối nay kiểm tra mà không thuộc, tôi sẽ phạt
vụt vào tay đó!
Buổi
tối, cậu ta sẽ đến phòng tôi đúng giờ quy định. Lúc chiều trở về tôi đã đánh
một giấc no nê, công việc tiếp theo là vẽ lại toàn bộ kiến trúc ngôi chùa, đại
điện và khung cảnh buổi giảng kinh mà tôi đã được tận mắt chứng kiến sáng nay.
Xong xuôi, tôi háo hức ngồi chờ Kumalajiba tới.
Kết quả
buổi kiểm tra tiếng Tochari của tôi rất tốt đẹp. Đến lượt tôi dạy cậu ta tiếng
Hán. Nỗi băn khoăn hành hạ tôi cả buổi chiều khiến tôi không kiềm chế được, tôi
hỏi ngay:
– Vì
sao tăng sĩ các cậu lại ăn thịt?
Cậu ta
có vẻ ngạc nhiên:
– Chúng
tôi theo tín ngưỡng Hinayana, tất nhiên có thể ăn thịt. Nhưng chỉ được phép ăn
“tam tịnh nhục”[6].
Tam
tịnh nhục? Chắc là loại thịt mà tăng sĩ giáo phái Tiểu Thừa được phép ăn.
– Thế
nào là “Tam tịnh nhục”?
– Thứ
nhất: không nhìn thấy người giết thịt, tức là không tận mắt chứng kiến thảm
cảnh trước khi chết của loài vật đó. Thứ hai: không nghe thấy tiếng người giết
thịt, tức là tai không nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của loài vật đó. Thứ ba,
loài vật đó không vì mình mà chết, tức là không phải vì mình muốn ăn mà chúng
bị giết thịt. Giả như ra chợ nhìn thấy người bán hàng mổ gà mổ cá, hoặc người
bán hàng nói rằng đây là thịt tươi vừa mới mổ thì không được phép ăn. Hoặc đến
nhà người khác chơi, được chủ nhà mổ gà mổ vịt thiết đãi, tức là chúng sinh vì
mình mà chết, thì cũng không được xếp vào loại “thịt thanh tịnh”. Tóm lại, tam
tịnh nhục là loại “thịt thanh sạch” phù hợp với các điều kiện: bản thân không
nhìn thấy, không nghe thấy và không phải vì mình mà chúng sinh bị sát hại.
Sau khi
được truyền bá vào Trung Nguyên, giới luật của giáo phái Đại Thừa có phần
nghiêm khắc hơn, giáo phái này nghiêm cấm sát sinh, tăng sĩ không được phép ăn
thịt. Vì vậy, trong tiềm thức của chúng ta, phàm là nhà sư đều không được ăn
thịt. Trong “Đại Đường Tây Vực ký”, Huyền Trang từng đề cập đến vấn đề này. Đại
sư viết rằng, trong hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh của mình, khi ngang qua
Tây Vực, ngài đã không thể thích ứng với giới luật cho phép nhà sư ăn thịt ở
nơi đây.
– Nhưng
vì sao trong những ngày qua, chúng ta không hề ăn thịt trên đường đi?
Tôi
không nghĩ rằng họ không được phép ăn thịt, bởi vì nhiều ngày qua, tôi không
thấy họ ăn thịt trên đường đi.
– Bởi
vì trước khi gặp cô, chúng tôi đã ăn hết rồi.
Tôi gật
gù, cuối cùng tôi đã hiểu. Không biết nhìn thấy họ ăn thịt thế này, các nhà sư
ở Trung Nguyên sẽ ghen tỵ hay sẽ chê trách họ?
– Khi
nãy cậu nói đến Hinayana, từ này nghe rất quen, nghĩa là gì vậy?
Cậu ta
suy nghĩ một lát rồi giải thích bằng một tràng dài những thanh âm lạ lùng. Tôi
biết đó không phải là tiếng Tochari, vậy thì hẳn là tiếng Phạn rồi, thứ ngôn
ngữ phổ thông được sử dụng trên khắp vùng Trung Á thời kỳ Trung thế kỷ. Và đó
cũng là thứ tiếng mà Kumalajiba dùng để thuyết giảng kinh Phật sáng nay, nên
tôi nghe mà không hiểu gì cả.
Tôi lại
nghe thấy cậu ta đọc một âm khác: Mahayana. Hồi đi Ấn Độ, tôi có mang theo cuốn
sách hướng dẫn du lịch nhiếp ảnh phổ biến nhất trên thế giới “Lonely Planet”
bản tiếng Anh. Tôi nhớ rằng, tên gọi này thường xuyên xuất hiện trong sách khi
giới thiệu về các thắng cảnh du lịch của Ấn Độ. Chắc chắn có liên quan đến Phật
giáo, mà cậu ta vừa bảo cậu ta theo tín ngưỡng Hinayana, nên được phép ăn “thịt
thanh tịnh”. A, tôi nhớ ra rồi:
– Hai
từ đó là Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Tiểu Thừa, đúng không? Mahayana là Đại
Thừa, còn Hinayana là Tiểu Thừa.
Cậu ta
có vẻ chưa hiểu, tôi viết chữ Đại Thừa và Tiểu Thừa ra giấy nháp:
–
“Thừa” là từ chỉ công cụ vận chuyển, ở đây có nghĩa là Phật pháp tế độ, cứu rỗi
chúng sinh, giống như con thuyền hay cỗ xe chuyên chở con người từ nơi này đến
nơi khác. Hinayana đề cao việc cứu độ bản thân, tìm kiếm sự giải thoát cho cá
nhân, vì vậy tiếng Hán gọi là Tiểu Thừa. Mahayana đề cao việc cứu rỗi người
khác, phổ độ chúng sinh, vì vậy tiếng Hán gọi là Đại Thừa.
Tôi
sướng phổng cả mũi, tiếng Phạn tôi cũng tỏ tường chả kém đâu nhé! Bắt gặp đôi
mắt mở to, sáng long lanh và nụ cười đầy hàm ý của tiểu hòa thượng, tôi bỗng
giật mình.
– Ngải
Tình, tôi nói đâu có sai, cô rất thông minh!
Tôi,
tôi, tôi… lại một lần nữa đánh cắp thành quả dịch thuật của người khác rồi.
Hình như là Kumarajiva dịch thì phải. Xin lỗi ngài, tôi không cố ý…