Dạo Bước Dưới Ánh Trăng

Chương 7



Công trình xây dựng là nơi hỗn tạp nhất trần đời. Tiếng máy trộn bê tông, tiếng cần cẩu lên xuống, tiếng những thanh thép va chạm nhau giòn giã cùng tiếng bay gọt viên gạch hoà vào nhau khiến tai người ta ù đi.

Lúc còn ở thôn Hạ Tam, thứ Vương Nhuệ cảm nhận sâu sắc nhất chính là sự yên tĩnh của thôn quê. Ba năm vào thành phố, anh thấy khổ nhất không phải cái thân này, mà là lỗ tai.

Ở công trường, mỗi giây mỗi phút đôi tai đều phải chịu sự giày xéo của tạp âm. Trước kia ở dưới quê, dù chỉ là tiếng trâu ợ anh cũng có thể nghe rõ mồn một. Nhưng ở thành phố, môi trường sống và làm việc quá mức ồn ào, dường như anh không còn mấy mẫn cảm với âm thanh như trước nữa.

Giờ đây anh mới hiểu, âm thanh thực sự chỉ tồn tại ở nơi yên tĩnh. Đa số âm thanh thực chất là một dạng thức vô thanh.

Vương Nhuệ nóng lòng đuổi tới công trường, lúc này hoàng hôn đã ngả bóng đằng tây.

Vương Nhuệ tưởng sẽ gặp được Lâm Tú San, cô sẽ ngoan ngoãn ở đó chờ đợi anh, nhưng anh lại phải thất vọng. Liệu cô có nghe nói anh tới Nhượng Hồ Lộ nên nhảy lên tàu ngược về không? Vương Nhuệ vừa nghĩ vậy liền lạnh lòng.

Anh gặp được hai công nhân, bèn hỏi họ: “Các chú có gặp vợ tôi không?”

Người bạn kia đáp: “Không qua đêm với vợ à, sao đã chạy về rồi?”

Vương Nhuệ nghĩ Lâm Tú San nhận ra Dương Thành, cô không thấy anh chắc chắn sẽ tới tìm Dương Thành nghe ngóng. Vương Nhuệ ngồi cần cẩu lên tầng thượng, anh tìm thấy Dương Thành.

Dương Thành vừa thấy anh liền kêu lên: “Sao cậu lại về đây rồi? Tôi bảo vợ cậu đi tìm cậu đấy!”

Vương Nhuệ thấy chân mình mềm nhũn, anh bất lực: “Sao cô ấy không biết đường ở đây đợi tôi cơ chứ.”

Dương Thành nói: “Tôi bảo cô ấy về đấy! Cậu mau ngược về đó đi! Áng chừng cô ấy cũng về đến trạm rồi!”

Vương Nhuệ nản chí ngã lòng: “Đi đi về về cả ngày trời, tôi thấy còn mệt hơn cả đi làm!”

Dương Thành cười khúc khích: “Tối nay ôm vợ trong lòng, mệt mấy cũng bay sạch!”

Vương Nhuệ nghĩ vẫn còn kịp, anh rời khỏi công trường, nhảy lên xe buýt ra ga tàu hoả, lại mua một tấm vé đến Nhượng Hồ Lộ. Lần này anh rất may mắn, không những mua được ghế ngồi, đã thế chỉ mười phút sau khi anh mua vé thì tàu đã đến.

Vương Nhuệ ngồi trong khoang tương đối sạch sẽ và sáng sủa, nghĩ chỉ ba tiếng nữa là được gặp Lâm Tú San, anh lại thấy lòng phơi phới.

Đoàn tàu chậm rãi băng qua cầu Tễ Hồng, sau khi đi qua những toà nhà u tối, đoàn tàu cùng âm vang tiến lên cầu Giang.

Lần này Vương Nhuệ quên mất phải ngắm sông Tùng Hoa, lúc này tà dương đã lặn quá nửa, một nửa mặt sông được phủ dưới bóng chiều cam cháy, nửa còn lại là một mảng xám xịt. Dòng sông này trông thoáng qua như một mỹ nữ đang khoác chiếc áo lụa vàng nhưng chỉ xỏ một ống tay áo, nửa sáng nửa tối.

Vương Nhuệ thấy nhìn thế này lại đâm ra thanh nhã. Cả con sông sáng bừng dễ khiến người ta thấy kiều diễm quá, còn nếu xám hẳn lại khiến người ta ngột ngạt. Chỉ khi nửa sáng nửa tối tương phản thế này, mới có ma lực làm say đắm lòng người. Thậm chí anh còn cảm thấy anh và Lâm Tú San cứ ngọt ngào được mãi, cũng là nhờ trạng thái sinh hoạt lúc gần lúc xa như này.

Khi họ sống độc lập, đó là mảng “tối”; khi gặp gỡ nhau, đó là mảng “sáng”, sáng tối giao thoa luôn để lại dư vị tuyệt vời.

Đoàn tàu đi mãi, sắc trời tối dần, khoang xe lên đèn, ánh sáng rọi xuống trong mơ hồ tạo cảm giác ảm đạm.

Đối diện Vương Nhuệ là hai người đàn ông trông lạ hoắc, một người cặm cụi viết số má gì đấy, người còn lại giết thời gian với quyển tạp chí. Người đọc tạp chí chốc chốc lại ngẩng lên liếc Vương Nhuệ, Vương Nhuệ nghĩ mặt anh có phải con chữ đâu mà nhìn?

Bên cạnh Vương Nhuệ là một bà cụ, vừa lên xe là bà đã dựa vào cửa sổ nghỉ ngơi. Tư thế ngủ của bà rất đặc biệt, hai tay không hề thả lỏng mà khoanh lại trước ngực. Thời buổi này chẳng còn mấy ai đeo găng tay nhưng bà cụ này lại đeo một đôi rất bắt mắt. Một người phụ nữ tròn trịa khoác áo trắng đẩy xe hàng xiêu vẹo tới đó, trên xe có bán cơm hộp.

Vương Nhuệ đói bụng, anh mua một phần cơm 6 tệ. Bình thường anh không thích mua cơm trên tàu cho lắm vì giá đắt đỏ. Ví dụ hộp cơm anh vừa mua, lượng cơm chỉ bằng nắm tay, kèm ít thức ăn màu sắc nhạt nhẽo, thế mà cũng đòi giá 6 tệ. Hộp cơm thế này ở ngoài chỉ bán 3 tệ là cùng! Vương Nhuệ xót ruột xúc ăn, lúc này người đàn ông nãy giờ mải viết số gì đó ngẩng đầu bảo Vương Nhuệ: “Người anh em, đọc bừa vài tổ hợp số tôi nghe coi! Mỗi tổ hợp bảy số nhé!”

Lúc này Vương Nhuệ mới vỡ lẽ, ông anh này ra là dân lô đề, nãy giờ đang nhọc lòng nghiên cứu kết quả sổ xố. Vương Nhuệ cười nói: “Em không có cái vận đấy đâu, chú anh tự bịa đi!”

Người nọ nói: “Xin chú em đấy, cho tôi vài số đi!”

Vương Nhuệ thấy anh ta khẩn thiết, anh cũng tùy ý nói bừa hai tổ hợp. Hai tổ hợp này trước kia anh từng mua, một cái là số máy bốt điện thoại công cộng gần công trường chỗ anh, một cái là số bốt ở Nhượng Hồ Lộ chỗ Lâm Tú San. Đáng tiếc đến giải khuyến khích mà cả hai dãy số đều chưa từng trúng lấy một lần.

Nhóm công nhân đa số đều có sở thích mua vé số, ai ai cũng muốn thử vận may vì nhỡ trúng được giải nhất 5 triệu thì sẽ có ngay cái danh xưng phú ông chỉ sau một đêm. Tiếc là chẳng có ai được như thế, ngoại trừ Lý Vi Dân tới từ huyện Bái Tuyền từng trúng giải tư trị giá 300 tệ, những pha cược của người khác đều tan biến như bong bóng xà phòng dưới ánh mặt trời.

Lâm Tú San chẳng bao giờ mua vé số, cô nói hễ thấy vé sô liền liên tưởng đến con hổ ăn thịt người. Con hổ này có cái miệng rất to, ngày nào cũng ăn thức ăn loài người cống cho nó, nó sẽ vắt sạch những người không hiểu rõ nó đến khi nào không còn một xu dính túi. Vương Nhuệ nói vé số không hẳn lúc nào cũng là con hổ, vì đấy là nó không nhả vàng ra thôi, một khi đã nhả, nó sẽ nhả cho người ta cả một kho vàng, trường hợp trúng cả mấy trăm triệu cũng đâu có hiếm!

Lâm Tú San nói một cách đ ĩnh đạc: “Ai trúng to chứng tỏ người ấy cũng phải bị con hổ kia ngoạm cho một cái đau điếng rồi, chẳng có kết cục hay ho đâu! Anh thử nghĩ xem, đang yên đang lành tự nhiên trúng hàng triệu tệ, nhà cửa không loạn lên vì công cuộc chia đều tiền thì cũng thành phế vật vì ăn sẵn cái đống tiền bẩn đấy, đây không phải tai họa thì là gì?”

Ăn hết hộp cơm, Vương Nhuệ thấy mệt lừ, anh ngửa đầu ra sau nhắm mắt nghỉ một lúc, lại sợ mình ngủ say quá không nghe thấy tiếng loa phát thanh, đành hỏi người đàn ông đang nhọc lòng nghiên cứu xổ số: “Anh xuống ở trạm nào thế?”

Người kia đáp: “Có việc gì?”

Vương Nhuệ nói: “Tôi muốn chợp mắt một chút, sợ ngủ say quá không nghe thấy loa báo.”

Người kia ngáp một cái, nói: “Tôi cũng buồn ngủ rồi, mí mắt cứ díp vào, tôi không dám chắc sẽ gọi được anh đâu đấy.”

Lúc này người nãy giờ mải đọc tạp chí bỗng lên tiếng: “Cứ yên tâm ngủ đi, tôi xuống trạm cuối, đến trạm tôi sẽ gọi hai chú dậy.”

Người kia hỏi Vương Nhuệ xuống trạm nào, anh đáp: “Nhượng Hồ Lộ.”

Lại hỏi tín đồ xổ số, anh ta đáp: “Nộn Giang.”

Người đọc tạp chí nói: “Yên tâm đi, tôi sẽ nhớ gọi các anh dậy!”

Sự nhiệt tình khác thường của anh ta khiến Vương Nhuệ nhất thời sinh nghi ngờ: Liệu anh ta có phải lừa đảo không nhỉ?

Anh nghe nói, lừa đảo trên tàu ngày nay không luồn lách khắp nơi gây án trong khoang xe như ngày trước nữa, chúng vẫn sẽ mua vé tàu và ngồi vào vị trí cho đàng hoàng, nhân lúc hành khách xung quanh lơ là cảnh giác, chúng sẽ ra tay hành động. Xong xuôi liền xuống tàu, chưa xong việc thì vẫn chiếm cứ ở đó chờ đợi con mồi xuất hiện.

Vương Nhuệ nhắm mắt giả vờ ngủ, còn cố tình đặt túi hành lý lên đùi, đã thế còn ngâm một điệu ngáy. Tín đồ xổ số kia cũng ngáy theo. Vương Nhuệ nghe ra, tiếng ngáy của anh ta là thật.

Quả nhiên, 15 phút sau, Vương Nhuệ cảm thấy cái túi trên đùi mình động đậy, anh mở bừng mắt thì thấy người kia vẫn đang đọc tạp chí. Vương Nhuệ nghĩ tên lừa đảo này còn nhanh tay hơn cả các nhà ảo thuật!

Vương Nhuệ nghĩ, tên lừa đảo phát hiện anh đề cao cảnh giác, hắn chắc chắn sẽ lượn sang toa khác, toa này thất thủ ắt sẽ ra tay ở nơi khác. Lại nghĩ, chi bằng gọi xừ cảnh sát tới trông tên lừa đảo này, nhưng nghĩ lại thì anh cũng chưa có bằng chứng buộc tội, nhỡ bị cắn ngược lại thì đúng là thiệt thân! Vương Nhuệ quyết định khỏi ngủ, anh nhìn chằm chặp người ngồi đối diện, nhìn hắn ta thỉnh thoảng lại giở một trang, nghĩ bụng để xem hắn ra tay kiểu gì!

Trời ngày càng mờ tối, phong cảnh bên ngoài cũng trở nên mơ hồ, ai đó quên đóng cửa nhà vệ sinh làm mùi nước tiểu khai mù ngang nhiên bay qua, thật là buồn nôn. Tàu hỏa giảm tốc, Vương Nhuệ biết nó lại sắp vào trạm.

Người kia ném quyển tạp chí lên bàn rồi đứng dậy vươn vai, nói: “Ôi dào, ngồi mãi cũng dức cả đầu, ra cửa hít thở không khí tí không?”

Nói đoạn anh ta ra phía cửa xe. Vương Nhuệ đoán có lẽ anh ta nhân lúc hành khách chen chúc lên xuống để tìm kiếm con mồi.

Vương Nhuệ lay tín đồ xổ số dậy, nhỏ giọng nói: “Người anh em, tỉnh táo lên! Cái người ngồi cạnh chú anh dễ chừng là ăn trộm đấy! Vừa nãy tôi giả vờ ngủ, hình như hắn thò tay nhăm nhe túi hành lý của tôi!”

Vương Nhuệ vừa dứt lời, tàu hỏa bỗng rung lắc kịch liệt một hồi rồi dừng lại. Tín đồ xổ số ngủ ngon lành, khóe miệng còn lóng lánh nước dãi. Anh ta ảo não nhìn Vương Nhuệ: “Ôi dào, đang thì mơ trúng 500 triệu, đang đến ngân hàng lĩnh tiền thì bị cậu gọi dậy!”

Vương Nhuệ nói: “Mơ chứ có phải thật đâu! Tôi chẳng thích mơ đẹp chút nào, thà là gặp ác mộng!”

Tín đồ xổ số ngáp một cái, hỏi: “Vì sao?”

Vương Nhuệ nghiêm túc đáp: “Anh nghĩ thử xem, nếu anh mơ đẹp, trong mơ muốn gì được nấy, tỉnh dậy lại chẳng có gì, sầu không cơ chứ! Nhưng nếu anh gặp ác mộng, trong mơ lên núi đao xuống biển lửa chịu khổ chịu nạn, tỉnh dậy phát hiện ánh nắng đang chiếu ngập phòng, những thứ đáng sợ kia không tồn tại, có cảm động không nào?”

Tín đồ xổ số cười hì hì, nói: “Chú em nên làm một bậc hiền triết.”

Lúc hai người cười nói, con tàu chậm rãi xuất phát. Khoang xe đã bớt đi vài hành khách, thay vào là một lượt khách mới.

Vương Nhuệ nhận ra người phía đối diện không quay lại, anh bảo tín đồ xổ số: “Hắn ta biết mình bị lộ đuôi cáo nên chuồn rồi!”

Tín đồ xổ số nói: “Chuồn thì chuồn mẹ đi! Đời nó thế đấy, nhậu nhẹt, cờ bạc, gái gú, phá phách, cướp bóc, có cái gì là không có?”

Tín đồ xổ số càu nhàu tung tóe cả nước bọt. Lúc này bảo vệ kiêm nhân viên soát vé đã tới. Vương Nhuệ để sẵn vé ra đấy, trải nghiệm tìm vẻ chẳng mấy vui vẻ lần trước để lại bóng đen trong lòng anh. Tín đồ xổ số cũng thò tay vào túi tìm vé, Vương Nhuệ bỗng thấy anh ta hô lên: “Bỏ mẹ, ví của tôi đâu rồi?!”

Vương Nhuệ nói: “Hay anh để ở túi khác?”

Tín đồ xổ số luống cuống đứng dậy, anh vò đầu bứt tai như con khỉ. Lục lọi một lượt cả túi đồ vẫn không tìm thấy gì, lại vỗ vỗ đập đập loạn xạ khắp người, mồm lẩm bẩm: “Ra đây, ra đây!”

Như thể túi tiền là một thằng bé chơi trốn tìm với anh, bị quát liền thò mặt ra không bằng.

Cuối cùng nhân viên soát vé đã đứng lại cạnh họ, anh vẫn chẳng tìm thấy vé.

Nhân viên liếc Vương Nhuệ trước, sau đó đánh thức bà cụ: “Bác gái, cho tôi kiểm tra vé!”

Bà cụ buông cánh tay, thò vào găng tay rút ra một cuộn tiền, bà mở ra, vé xe cuộn trong đó, bà rút vé để xuống. Vương Nhuệ nghĩ bà cụ này quả là minh mẫn, tiền và vé xe nhét cả thảy vào găng tay, có ngủ thì khoanh tay vào, cục tiền khác nào được nhét vào két bảo hiểm, không chút sơ sẩy.

Lúc nhân viên kiểm tra vé của tín đồ xổ số, anh đã sốt ruột toát mồ hôi đầy đầu, mồm rít lên: “Tôi mất ví rồi! Vé xe kẹp ở đó!”

Bảo vệ chỉ cười: “Trò này tôi gặp nhiều rồi, lải nhải ít thôi, mua vé bù đi!”

Câu này giống y chang cách bảo vệ trên chuyến tàu trước chế nhạo Vương Nhuệ.

Tín đồ xổ số nói: “Tôi có vé! Vé của tôi cất trong ví, ví mất xừ rồi!”

Vương Nhuệ nói: “Chắc chắn do tên kia làm! Hắn ta chuồn sang toa khác rồi đây mà! Tôi nhớ mặt hắn, chúng ta đi bắt thôi!”

Vương Nhuệ kể lại chuyện bị người đọc tạp chí trước mặt động tay động chân vào hành lý lúc anh giả vờ ngủ, đồng thời chỉ vào cuốn tạp chí trên bàn, nói: “Anh nhìn xem, đây chính là quyển hắn đọc!”

Bảo vệ nửa tin nửa ngờ đi theo Vương Nhuệ và tín đồ xổ số sang toa khác bắt giặc. Họ mất cả nửa tiếng đi dọc từ đầu tàu đến cuối tàu mà chẳng thấy bóng dáng tên trộm đâu. Vương Nhuệ đoán hắn đã xuống tàu từ lâu rồi.

Không bắt được trộm, Vương Nhuệ và tín đồ xổ số trở lại chỗ ngồi. Tín đồ xổ số nói ví anh ta có hơn 300 tệ, còn có bốn vé số giá trị 20 tệ và vé tàu. Anh ta nhìn đồng hồ, mặt mày ủ dột nói mười phút nữa là công bố kết quả xổ số, khéo đâu lại trúng giải đặc biệt chứ chả đùa, nhưng mà vé số bị người ta cuỗm mất rồi còn đâu! Theo cách nghĩ này thì thứ anh ta mất không phải là mấy trăm tệ, vé xe hay vé số, mà là 5 triệu tiền mặt vận chuyển còn khó khăn!

Anh ta không ngừng lải nhải như bị ma nhập: “Hôm nay vé số của tôi chắc chắn trúng to! Giời ạ, 5 triệu tệ của tôi! Ông giời ơi!”

Anh ta tiếc đứt ruột gan, đấm ngực giậm chân cứ như thể thứ bị móc mất không phải ví tiền mà là quả tim của anh. Vương Nhuệ thấy anh hồn bay phách lạc liền an ủi mấy câu, nào ngờ anh ta bỗng xông lên túm cổ Vương Nhuệ: “Tất cả là tại cậu, biết hắn là ăn trộm sao không nhắc nhở tôi! Cậu chỉ biết lo cho túi của cậu thôi, sống ích kỉ thế à?!”

Nói rồi anh ta vung tay cho Vương Nhuệ một đấm vào hốc mắt phải. Vương Nhuệ đau điếng ré lên, anh giơ hai tay bụm mặt, tín đồ xổ số vẫn không chịu bỏ qua, anh ta đấm vài nhát vào vai Vương Nhuệ, giọng khàn cả đi: “Cậu đền 5 triệu đây, đền đây!”

Bà cụ ngồi cạnh Vương Nhuệ sợ hãi nép vào lối đi, bà hô lên: “Bớ làng nước ơi, chết người đến nơi rồi!”

Một hành khách vừa lùn vừa còi gọi bảo vệ tới. Bảo vệ chạy tới quát lớn: “Làm gì đấy, chưa bắt được giặc đã cấu xé nhau rồi!”

Tín đồ xổ số còn muốn đấm Vương Nhuệ, thấy bảo vệ đến, anh ta đẩy cục tức lên người bảo vệ, cứ thế tung quyền vào cằm người ta rồi chửi bới: “Cái bọn ăn hại này! Tàu xe nuôi chúng mày làm gì không biết! Khác gì đám mèo lười không cơ chứ, thấy đám giặc chuột kia cũng không biết đường tóm cổ, để chúng nó cuỗm mất tiền của ông, mày đền ngay 5 triệu cho ông!”

Bảo vệ không kịp đề phòng nên lãnh trọn cú đấm của tín đồ xổ số, anh nổi cơn tam bành túm cổ tín đồ xổ số lôi ra hành lang như diều hâu quắp gà, sau đó bảo vệ thò chân đạp anh ta một cước, tín đồ xổ số đau đớn kêu oai oái, nhưng vẫn không quên nghĩa vụ lầu bầu vì vừa mất toi 5 triệu.

Cuối cùng tín đồ xổ số bị bảo vệ lôi đi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.