Hiệp Cốt Đan Tâm

Chương 40: Nào ngờ đường lạ đụng cường địch Ai biết chốn xa gặp cố nhân



Cung Bỉnh Phan đã khỏe hẳn nên kể lại mọi chuyện hôm trước. Khi ông ta
nói đến đoạn Công Tôn Yến nhảy xuống vực sâu cùng Lệ Nam Tinh như chợt
nhớ ra một điều, nói:

“Màu đất trên ngọn núi ấy không giống với những nơi khác!”.

Kim Trục Lưu hỏi:

“Không giống thế nào?”.

Cung Bỉnh Phan kể:

“Màu đất đỏ như máu, khắp núi đều là hoa dại”.

Nông phu họ Trương chợt nói:

“Tôi biết nơi ấy, đó gọi là núi Xích Thạch, bên dưới có một cốc sâu tên là
Đào Hoa Cốc. Đào Hoa Cốc cách thôn này bảy mươi dặm về hướng nam, rất dễ tìm”.

Kim Trục Lưu mừng rỡ:

“Được, tôi lập tức đến nơi ấy!”.

Nông phu họ Trương nói:

“Nhưng cũng không dễ tới!”.

Kim Trục Lưu hỏi:

“Tại sao?”.

Người nông phu trả lời:

“Xung quanh Đào Hoa Cốc là núi non trùng điệp, không có ai ở. Muốn xuống đáy cốc chỉ có thể nhảy từ trên núi Xích Thạch xuống”.

Kim Trục Lưu thản nhiên:

“Cũng không sao”.

Nông phu họ Trương lại nói:

“Nhảy từ trên núi xuống cũng không khó lắm, nhưng ở dưới đáy cốc thì rất nguy hiểm!”.

Kim Trục Lưu hỏi:

“Nguy hiểm thế nào?” Nông phu ấy đáp:

“Trong Đào Hoa Cốc có hàng ngàn hàng vạn gốc hoa đào, giờ đang là mùa xuân”. Kim Trục Lưu ngạc nhiên:

“Vậy có liên hệ gì?” Nông phu đáp:

“Mỗi khi đến mùa xuân, trong Đào Hoa Cốc sẽ có đào hoa chướng”. Kim Trục Lưu hỏi:

“Đào hoa chướng có phải là mây mù tà độc hay không?” Nông phu trả lời:

“Đúng thế, trong cốc hàng ngàn hàng vạn gốc hoa đào tự nở tự rụng, mặt đất ẩm ướt, mỗi khi đến mùa xuân hoa đào thối rữa, chướng khí bốc lên như mây
mù, cảnh sắc trông đẹp mê hồn. Mười mấy năm trước trong thôn chúng tôi
có vài thiếu niên bạo dạn đến đó xem mây mù nhưng có đi mà không trở
về!”.

Kim Trục Lưu gật đầu:

“Lão trượng đừng lo, tôi có linh đơn giải độc, chướng khí dù ghê gớm đến mức nào cũng chẳng làm gì được chúng tôi!”.

Nông phu họ Trương thấy chàng đã cứu sống Cung Bỉnh Phan thì cũng tin mấy phần. Vì thế dặn:

“Được, nhưng thiếu hiệp phải cẩn thận!”.

Kim Trục Lưu đáp tạ rồi một mình đến núi Xích Thạch.

Chàng quả nhiên đứng từ trên núi đã nhìn thấy Đào Hoa Cốc. Kim Trục Lưu thử
hít một hơi cảm thấy choáng váng trong đầu. Chàng vội vàng ngậm một viên bích linh đơn rồi thi triển khinh công tuyệt thế trèo xuống, không đến
một cây nhang đã đặt chân xuống đáy cốc. Kim Trục Lưu thầm thất kinh:

“Từ trên vách núi cao trăm trượng rơi xuống đáy cốc, chướng khí lại nồng nặc như thế này, e rằng họ lành ít dữ nhiều!”.

Nhưng khi đặt chân xuống đất, Kim Trục Lưu lại không khỏi thầm ngạc nhiên.

Té ra dưới đất là một lớp hoa đào mềm mại tựa như phủ thảm lông ngỗng. Kim Trục Lưu kêu lớn:

“Lệ đại ca! Công Tôn cô nương!” Nhưng vẫn không nghe tiếng trả lời.

Chàng đi khắp Đào Hoa Cốc cũng chẳng thấy một bóng người.

Đến khi ra khỏi đường đào bỗng thấy một dòng thác từ trên vách núi đổ xuống kêu ầm ầm, phía trước đã hết đường đi.

Kim Trục Lưu nổi lòng tò mò, nhủ thầm:

“Dẫu họ đã chết thì cũng phải còn xương cốt”. Từ trên vực cao nhảy xuống,
phía dưới lại có chướng khí, lẽ nào họ có thể thoát chết? Kim Trục Lưu
càng nghĩ càng lạ, chàng phải mất cả ngày trời mới leo lên trên núi trở
lại được Khi trở lại nhà nông phu họ Trương, Cung Bỉnh Phan đã có thể
vịn vách tường thử đi được. Kim Trục Lưu kể lại tình hình trong Đào Hoa
Cốc, Cung Bỉnh Phan cũng nghĩ họ đã chết, nhớ lại mình đã phụ lòng mong
mỏi của bang chủ, không khỏi rơi nước mắt. Sử Hồng Anh ngẩn người một
lát rồi bảo:

“Huynh nói dưới đất phủ đầy hoa đào, nếu từ trên cao rơi xuống nói không chừng cũng không thể chết được …”.

Kim Trục Lưu nói:

“Cũng mong là thế. Nhưng họ đã bị thương, nếu vẫn còn sống vẫn không thể
thoát khỏi Đào Hoa Cốc được. Nay chỉ e …” Chàng tránh không nói bốn
chữ “lành ít dữ nhiều”.

Cung Bỉnh Phan thở dài:

“Chi bằng chúng ta hãy tìm cách trả thù cho họ. E rằng trong thời gian ngắn tôi không thể khỏe lại ngay, chuyện báo tin …”.

Kim Trục Lưu nói:

“Tôi sẽ lo chuyện này. Nhưng Cung huynh cũng phải tìm một nơi ngơi ngơi”.

Kim Trục Lưu tìm thuê một chiếc xe la, đưa Cung Bỉnh Phan đến căn cứ của
nghĩa quân ở núi Đại Lương. Mọi người biết tin Lệ Nam Tinh và Công Tôn
Yến mất mạng ở Đào Hoa Cốc thì ai nấy đều rầu rĩ.

Hai người Kim,
Sử rời khỏi núi Đại Lương, đó là chuyện xảy ra sau một tháng Lệ Nam Tinh mắc nạn. Kế hoạch của Kim Trục Lưu trước tiên là gặp Công Tôn Hoằng sau đó về Dương Châu.

Trên đường bình an chẳng có chuyện gì, hôm nay họ đã đến huyện Hoa Âm của Thiểm Tây. Ngọn Hoa Sơn nổi tiếng nằm ở phía nam huyện Hoa Âm. Lúc này đang là tháng ba mùa xuân, hoa dại nở rộ, én
lượn đầy trời. Hai người đi ngang qua chân núi Hoa Sơn, nhìn thấy cảnh
núi tinh thần thảnh thơi. Kim Trục Lưu nói:

“Trước đây trên núi
Hoa Sơn có một danh y đệ nhất thiên hạ, là bằng hữu của cha huynh. Lại
là nghĩa phụ của đại sư huynh. Nghe nói người này y thuật thông huyền,
có thể chữa được tất cả mọi loại bệnh. Đáng tiếc y thuật của ông ta giờ
đây đã thất truyền”.

Sử Hồng Anh hỏi:

“Có phải Hoa Sơn y ẩn Hoa Thiên Phong?” Kim Trục Lưu gật đầu:

“Đúng thế. Muội cũng nghe nói đến ông ta ư?” Sử Hồng Anh cười rằng:

“Ông ta tuy đã mất sớm nhưng y thuật không hề thất truyền”.

Kim Trục Lưu nói:

“Đúng thế, ông ta còn có một người con gái kế thừa y thuật.

Nhưng huynh nghe cha nói Hoa nữ hiệp đã lấy một quốc vương ở miền Tây Vực,
trở thành hoàng hậu đương nhiên không chữa bệnh cho người khác nữa. Vả
lại y thuật của Hoa tiền bối truyền đến Tây Vực đối với Trung Nguyên coi như cũng đã thất truyền”.

Sử Hồng Anh nói:

“Không, Hoa lão tiền bối còn có một truyền nhân, nhưng hình như không giỏi bằng con gái của ông ta”.

“Vậy ư, huynh lại không biết điều này”.

“Người này là một đạo đồng của ông ta, có thể lúc này đã ngoài năm mươi tuổi.

Pháp danh của người này là Thấu Thạch, mười tám năm trước Thanh Phong đạo
nhân của bổn bang bị trúng độc tiêu của Hoài âm Song Sát, chính ông ta
đã trị lành vết thương cho y, cho nên muội mới biết lai lịch của ông
ta”.

“Có lẽ là vì khi cha huynh quen biết Hoa lão tiền bối, Thấu
Thạch đạo trưởng vẫn còn nhỏ tuổi cho nên cha mới không nhắc tới. Đáng
tiếc chúng ta đang có việc gấp, nếu không cũng nên lên núi thăm ông ta”.

Hai người đang nói chợt thấy có một nông phụ từ trên núi đi xuống mà khóc hu hu. Sử Hồng Anh bước tới an ủi:

“Đại thẩm có chuyện gì đau lòng mà lại khóc thế?”.

Nông phụ này vừa khóc vừa nói:

“Tiểu cô nương, đa tạ lòng tốt của cô nương nhưng cô không thể giúp được”. Kim Trục Lưu hỏi:

“Chuyện gì thế?” Nông phụ ấy vừa khóc vừa nói:

“Số tôi thật khổ! Con trai tôi bị mắc bệnh lao, khó khăn lắm mới mượn tiền
nhờ một đại phu trong thành coi bệnh, đại phu này lắc đầu nói là tuyệt
chứng không thể trị được. Ngoại trừ một vị đạo trưởng trên núi Hoa Sơn”.

Sử Hồng Anh hỏi gấp:

“Vậy là đại thẩm đến núi Hoa Sơn? Lẽ nào đạo trưởng ấy không trị? Theo tôi
biết, ông ta là người lòng dạ từ bi, vẫn thường chữa trị cho người cùng
khổ kia mà!”.

Thiếu phụ ấy khóc tấm tức:

“Cô nương nói phải lắm, nhưng chỉ trách tôi không may”. Kim Trục Lưu hỏi:

“Có phải ông ta ra ngoài vân du hay không?”.

“Hôm qua vị đạo trướng ấy đã chết!” Nói đến đây thì bất giác oà khóc lên.

Sử Hồng Anh cả kinh:

“Đã chết?” Nghĩ bụng:

“Thấu Thạch đạo nhân chẳng qua chỉ mới hơn năm mươi tuổi, bản thân lại biết
võ công và y thuật, chưa phải suy yếu lắm sao lại chết?”.

Nông phụ ấy nói:

“Quan tài vẫn còn đặt trong quán, người đến điếu tang cũng chưa ra về, còn có thể giả”.

Kim Trục Lưu nói:

“Đại thẩm đừng đau lòng, bệnh lao chẳng phải tuyệt chứng, tôi có thể trị
được”. Nông phụ ấy ngừng khóc, nhìn Kim Trục Lưu nửa tin nửa ngờ, Kim
Trục Lưu nói:

“Đại thẩm cứ đem viên thuốc này về cho con trai của bà uống, ngoài ra tôi còn tặng mười lạng bạc mua thêm chút đồ bổ để bồi dưỡng”.

Số là viên thuốc này chính là tiểu hoàn đơn mà Cơ Hiểu
Phong đã đánh cắp ở chùa Thiếu Lâm. Kim Trục Lưu tuy không biết y thuật
nhưng vẫn nhớ câu:

“Ngũ lao thất thương”, bệnh lao là một trong những bệnh nội thương, chắc có thể dùng tiểu hoàn đơn để chữa trị.

Nông phụ ấy thấy Kim Trục Lưu tuổi còn trẻ nửa tin nửa ngờ, nhưng chàng đã
có lòng tốt cho nên bà cũng đáp tạ rồi cầm thuốc và bạc về nhà.

Nông phụ ấy đi xa, Sử Hồng Anh mới nói:

“Trục Lưu, muội thấy chuyện này có điều kỳ quặc”.

Kim Trục Lưu gật đầu:

“Đúng thế, chúng ta sẽ lên xem thử”. Thế rồi hai người cùng lên núi, đi được
nửa chừng thấy một tòa đạo quán, trước cửa có treo một cái đèn lồng màu
xanh. Bên trong vọng ra tiếng ồn ào. Số là Hoa Thiên Phong vốn ở Hoa Sơn tuyệt đỉnh, đến thời Thấu Thạch đạo nhân, để tiện chữa bệnh cho dân quê cho nên đã xây tòa đạo quán này ở lưng chừng núi.

Kim Trục Lưu ngạc nhiên:

“Chắc đây là đạo quán của Thấu Thạch đạo nhân.

Thật kỳ lạ, ông ta đã chết, sao trong quán lại có tiếng cãi nhau?” Hai người bước vào đạo quấn, bỗng nghe có tiếng quát lên rằng:

“Ta không tin, mở nắp quan tài ra cho ta xem?” Một giọng nói khác trả lời:

“Gia sư thật tình đã chết, nắp quan tài đã được đóng đinh”.

Người kia nói:

“Đóng đinh cũng phải mở ra!” Khi hai người Kim, Sử vào đến linh đường thấy người ấy đang mở nắp quan tài.

Vài đại hán ở hai bên bước tới xem:

“Ồ, đúng là thấu Thạch đạo nhân!”.

“Tôi nói gia sư đã chết, các người lại không chịu tin lại cứ mở quan tài của người. Hừ, bây giờ các người đã tin chưa?”.

“Thật quái lạ, hình như trúng độc!”.

“Chắc chắn có bàn tay của bọn Thiên ma giáo!”.

Kim Trục Lưu thất kinh, lòng thầm nhủ:

“Sao ông ta lại bị Thiên ma giáo hạ độc thủ?” Chàng mới vội vàng chen vào, nói:

“Để tôi cũng xem thử”. Trong quan tài có một cái xác, ở chân mày có một
luồng hắc khí, lỗ mũi cũng có máu rịn ra. Kim Trục Lưu thấy thế càng
kinh ngạc, thầm nhủ:

“Xem ra có lẽ trúng độc châm của Thiên ma
giáo, nhưng mụ yêu bà họ Hạ đã chết, còn ai biết dùng độc châm hại
người? Đương nhiên Lý Đôn không làm như thế”.

Hai người vừa bị Kim Trục Lưu đẩy ra quát lên:

“Tên tiểu tử nhà ngươi ở đâu mà chen lấn thế này?” Người vừa mở nắp quan tài cũng quay đầu lại, chợt lạc giọng kêu:

“Sử cô nương, cô nương cũng đến! Người bằng hữu này là …”. Sử Hồng Anh ngạc nhiên, nàng chợt nhớ ra:

“Ông có phải là Tôn hương chủ của Trường Kinh bang hay không?” Người ấy nói:

“Cô nương nhớ thật dai, tôi là Tôn Bách Thọ, các vị đừng ồn, đây chính là em gái của bang chủ Lục Hợp bang”. Sử Hồng Anh nói:

“Đây là Kim Trục Lưu thiếu hiệp, sư đệ của Giang Hải Thiên đại hiệp”.

Trường Kình bang vốn là một bang hội nhỏ hoạt động ở hai bờ sông Hoàng Hà,
bang chủ Tôn Bách Lộc là anh trai của Tôn Bách Thọ. Trường Kình bang là
“thuộc bang” của Lục Hợp bang, mỗi năm đều tiến cống cho Lục Hợp bang.
Tôn Bách Thọ cũng từng thay anh đưa quà cho Lục Hợp bang cho nên nhận ra Sử Hồng Anh. Nhưng đến giờ y vẫn chưa biết Sử Bạch Đô đã chết ở Tây
Xương còn Sử Hồng Anh là bang chủ mới của Lục Hợp bang. Mọi người nghe
thế vừa mừng vừa lo, vội vàng tạ lỗi.

Tôn Bách Thọ hỏi:

“Sử cô nương, sao cô lại đến tìm Thấu Thạch đạo nhân, chả lẽ Thiên ma giáo dám bức hiếp Lục Hợp bang?” Rồi lại nói:

“Kim thiếu hiệp, huynh đến thật đúng lúc, có lẽ chuyện này chỉ có lệnh sư
huynh mới chủ trì công dạo được cho chúng tôi”. Kim Trục Lưu hỏi:

“Chuyện này như thế nào?”.

Tôn Bách Thọ đóng nắp quan tài lại, quay về phía tiểu đạo sĩ xin lỗi rồi kể:

“Chúng tôi đều đến đây nhờ Thấu Thạch đạo nhân trị bệnh, không ngờ ông ta cũng bị hạ độc thủ, trong nhất thời nóng nảy nên thất lễ, mong Kim thiếu
hiệp đừng cười”.

Kim Trục Lưu nhìn bọn họ không có vẻ gì là bệnh hoạn cả, đang định hỏi thì Tôn Bách Thọ đã kể:

“Không phải chúng tôi bị bệnh. Chúng tôi thuộc năm bang hội khác nhau, bang chủ của chúng tôi đều bị Thiên ma giáo hạ độc!”.

Kim Trục Lưu nói:

“Chẳng phải hai mươi năm trước Thiên ma giáo đã bị giải tán rồi sao, vả lại sao các người biết là do Thiên ma giáo hạ độc?”.

Tôn Bách Thọ đáp:

“Đúng thế, hai mươi năm trước Thiên ma giáo đã giải tán.

Nhưng giờ đây xuất hiện một giáo chủ mới, Thiên ma giáo đã mở lại hương đường.

Chúng tôi xích mích với Thiên ma giáo là vì chuyện này mà ra”.

Kim Trục Lưu hỏi:

“Giáo chủ mới của Thiên ma giáo là ai?”.

Tôn Bách Thọ đáp:

“Nghe nói là cháu của Lệ Thắng Nam, tên gọi Lệ Nam Tinh!”.

Kim Trục Lưu cả kinh:

“Sao lại là Lệ Nam Tinh? Các người có nhầm không?”.

Tôn Bách Thọ đáp:

“Khi y mở hương đường, đã từng gửi thiệp mời chúng tôi đến xem lễ, trên
thiệp viết rõ ba chữ Lệ Nam Tinh, lẽ nào là sai? Kim thiếu hiệp, huynh
quen người này ư?”.

Những người này thuộc những bang hội không
quang minh chính đại, Kim Trục Lưu không muốn nói nhiều với họ cho nên
chỉ đáp bừa rằng:

“Tôi biết người này, y đã từng đại náo thọ đường của Tát Phúc Đỉnh ở kinh thành. Lúc đó tôi cũng có mặt.

Theo lẽ y không phải là kẻ đê tiện ám toán hại người”.

Tôn Bách Thọ tức giận:

“Đương nhiên y không đích thân ra tay mà là thủ hạ của y, nếu y không cho phép chắc là bọn chúng cũng không dám làm càn”.

Kim Trục Lưu đang nôn nóng biết chân tướng nên hỏi vội:

“Các người đã kết oán với Thiên ma giáo như thế nào?”.

Tôn Bách Thọ kể:

“Tôi sẽ kể chuyện của Trường Kình bang. Những bang hội khác cũng lâm vào
cảnh giống như chúng tôi. Chuyện này xảy ra vào đầu tháng trước, một hôm nọ có một kẻ tự xưng là sứ giả của Thiên ma giáo đến, y bảo Thiên ma
giáo sắp mở lại hương đường, mời bang chủ của chúng tôi đến xem lễ. Y
còn bảo trước đây Trường Kình bang chúng tôi phục tùng Thiên ma giáo,
giờ đây đã có giáo chủ mới, bọn tôi phải tìm lễ vật gì đó đem đến dâng.
Sử cô nương, mười mấy năm nay Trường Kình bang chúng tôi đã theo quý
bang, làm sao có thể nghe mệnh lệnh của Thiên ma giáo. Bởi vậy tuy y nói thế nhưng chúng tôi cũng chẳng thèm đi xem lễ”. Y nói câu này là muốn
Sử Hồng Anh khen lòng trung của mình.

Sử Hồng Anh nghĩ bụng:

“Đáng tiếc y không đến xem lễ, nếu không có thể biết là thật hay giả. Nhưng
giáo chủ của Thiên ma giáo chắc chắn không phải Lệ đại ca”.

Bèn nói:

“Chúng ta đều là bang chủ của một bang, dù bang hội có lớn có nhỏ nhưng cũng
phải có tôn ti trật tự, y đã ỷ thế hiếp người, cũng chả trách ông không
nể mặt y”.

Tôn Bách Thọ nói:

“Cô nương đúng là người hiểu
lý lẽ, khiến người ta khâm phục. Nhưng tên tiểu tử Lệ Nam Tinh không như thế, đúng là miệng chó không nói được tiếng người”.

Kim Trục Lưu nhíu mày:

“Ông khoan hãy mắng người khác, y nói thế nào?”.

Tôn Bách Thọ đáp:

“Sứ giả còn bảo, Lệ bang chủ đã nói trước phải mời các người đi xem lễ là
nể mặt các người, các người nếu muốn uống rượu mời thì tốt, nếu muốn
uống rượu phạt cũng được. Đi hay không là tùy ở các người. Chúng tôi là
người sống trên đường đao mũi kiếm, nên chẳng sợ y dọa dẫm. Nhưng chúng
tôi cũng không dám coi thường Thiên ma giáo cho nên phòng bị rất nghiêm
ngặt. Không ngờ y không phải dọa suông, tuy chúng tôi đã phòng bị nghiêm ngặt nhưng bang chủ vẫn không thoát khỏi độc thủ của bọn chúng. Ngày
hôm ấy bang chủ chúng tôi uống một bát trà ở trà đình. Ông chủ trà đình
là người quen của chúng tôi, có lúc còn làm tai mắt cho chúng tôi, đương nhiên bang chủ chẳng hề nghi ngờ ông ta. Nào ngờ uống xong bát trà, chỉ đi được một đoạn bang chủ cảm thấy trong người nóng như lửa đốt, càng
lúc càng thấy không ổn nên mới biết đã trúng độc. May mà hai huynh đệ đi theo bang chủ một người đưa bang chủ về nhà, một người tìm ông già tính sổ. Đến khi quay lại trà đình thấy ông chủ trà đình đã bị giết chết,
bên cạnh cái xác còn có một bức thư, trong thư có viết mấy chữ rằng:

‘Nếu muốn sống hãy mau đến Thiên ma giáo xin chữa trị’. Rõ ràng bọn chúng
muốn dìm chết Trường Kình bang chúng tôi. Chúng tôi không muốn thần phục nên mới tìm Thấu Thạch đạo trưởng. Không ngờ Thấu Thạch cũng bị bọn
chúng hại chết”.

Tôn Bách Thọ kể xong những người khác cũng nói ra chuyện của mình, quả nhiên cũng chẳng khác gì chuyện của Trường Kình bang.

Tôn Bách Thọ nói:

“Kim thiếu hiệp, thủ đoạn của tên tiểu tử họ Lệ này thật thâm độc, y mới làm bang chủ, vì muốn ra oai mà không ngại tàn hại đồng đạo giang hồ, lại
còn giết chết người vô tội như Thấu Thạch đạo nhân, khiến chúng tôi
chẳng còn biết cầu cửa nào, chỉ có thể khuất phục bọn chúng. Chúng tôi
thấy không đấu lại Thiên ma giáo, nay mời hai vị giúp đỡ, thay chúng tôi khẩn cầu Giang đại hiệp và Sử bang chủ lấy lại công đạo”. Kim Trục Lưu
nói:

“Được, ta sẽ giúp các người điều tra sự thật. Nhưng bang chủ của Lục Hợp bang đã chết”.

Tôn Bách Thọ cả kinh:

“Sử bang chủ võ công trùm đời, chả lẽ … chả lẽ cũng bị tên Lệ Nam Tinh ám toán?”.

Kim Trục Lưu đáp:

“Chính Sử Bạch Đô đã tự giết hại mình!”.

Tôn Bách Thọ ngạc nhiên, trợn tròn hai mắt hỏi:

“Có nghĩa là sao?”.

Kim Trục Lưu nói:

“Làm lắm chuyện bất nghĩa sẽ tự chôn mình, các người có nghe câu này chưa?
Sử Bạch Đô võ công cao cường nhưng đáng tiếc y cam lòng làm ưng khuyển
cho triều đình, cuối cùng bị mọi người xa rời, chẳng còn lối đi cho nên
tự kết liễu tánh mạng”.

Bọn người này nghe Kim Trục Lưu nói như
thế bất đồ đưa mắt nhìn nhau, không dám đáp lời. Kim Trục Lưu biết bọn
chúng e ngại Sử Hồng Anh, nói rằng:

“Chắc các người vẫn chưa biết chuyện xảy ra ở Tây Xương, Sử Bạch Đô giúp Tây Xương tướng quân Soái
Mạnh Hùng, các đầu mục trong Lục Hợp bang không phục y, sau khi y tự sát thì đã lập Sử cô nương làm bang chủ. Sử cô nương và Sử Bạch Đô tuy cùng một mẹ sinh ra nhưng không hề giống nhau. Soái Mạnh Hùng cũng bị nàng
giết, Lục Hợp bang nay đã ra nhập nghĩa quân”.

Sử Hồng Anh nói:

“Đại ca chết là đáng tội, tôi không thể khuyên y cải tà quy chính, tôi cũng
rất lấy làm áy náy. Cũng mong các người lấy y làm tấm gương đừng đi theo vết xe đổ của y nữa”.

Tôn Bách Thọ nghe Sử Hồng Anh nói như thế vội mới kêu mọi người hành lễ:

“Thuộc hạ tham kiến bang chủ, mong bang chủ dạy bảo”.

Sử Hồng Anh nói:

“Tôi đã nói, bang hội tuy có lớn nhỏ nhưng không có tôn ti, trước kia đại ca của tôi làm bang chủ Lục Hợp bang, ỷ mạnh hiếp yếu, buộc các người nghe lệnh của y, hàng năm đều phải tiến cống, từ rày về sau ta không cần như thế nữa. Lục Hợp bang và các bang phái khác kết thành huynh đệ, có
chuyện lớn phải thương lượng với nhau, đôi bên cùng gánh vác. Khi đã đặt ra minh ước, chúng ta phải tuân theo. Các người bảo có tốt hay không?”.

Bọn người Tôn Bách Thọ xưa này thần phục Lục Hợp bang thực ra chỉ bằng mặt
mà không bằng lòng, chỉ vì thế lực còn yếu cho nên đành chịu lép. Nghe
Sử Hồng Anh nói như thế đều cả mừng.

Sử Hồng Anh nói:

“Phó bang chủ của bổn bang Lý Đôn có thể giải độc của Thiên ma giáo, các
người không cần lo lắng, ta sẽ bảo y giải độc cho bang chủ các người.
Còn chuyện kết minh sau này hãy tính”.

Mọi người càng mừng hơn lại một lần nữa đáp tạ Sử Hồng Anh nói:

“Tệ bang đương nhiên cũng sẽ ra sức đối phó với Thiên ma giáo. Nhưng chuyện này còn có nhiều điều gút mắc, tôi và Kim thiếu hiệp phải điều tra sự
thực. Trước khi mọi việc rõ ràng, các vị đừng nóng nảy, không được xung
dột với Thiên ma giáo”. Tôn Bách Thọ thưa:

“Vâng, tất cả nghe theo Sử bang chủ sắp xếp”. Sử Hồng Anh nói:

“Được, ngày sau chúng ta sẽ gặp lại, tôi và Kim thiếu hiện phải đi trước đây”.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.