Nằm trên giường Tuệ Mai nhìn hai anh em nhà mình nằm ngủ ngon lành mà lòng chua xót, nếu việc cô quay về không thay đổi được vận mệnh của gia đình cô thì một năm sau các cô sẽ là đứa trẻ mồ côi mẹ, cô phải làm sao đây? Nhìn ra ngoài nhà cô thấy mẹ cô đang vùi đầu vào đống sổ sách, a, cái công việc này không biết đã chiếm giữ bao nhiêu thời gian của mẹ cô, nếu cô nhớ không nhầm, mẹ cô là bị tai biến, căn bệnh thời này rất hiếm mà lại quá khó chữa trị. Đây là dấu hiệu do làm việc gắng sức, không nghỉ ngơi hợp lý, cô lên làm gì để thay đổi đây?
– Mẹ.
Tiêu Nguyệt quay đầu lại nhìn thấy Tuệ Mai tay đang xoa mắt như vừa tỉnh ngủ, mồm vẫn còn há to để ngáp.
– Con ngoan nằm xuống ngủ tiếp đi, vẫn còn sớm con.
– Mẹ con muốn mẹ ôm con ngủ. Con muốn mẹ cho cả em trai ngủ nữa.
Tuệ Mai ngây ngô nói, tay bụ bẫm vươn về phía mẹ mình. Tiêu Nguyệt nghe con nói hơi nhíu lại mày, cúi đầu nhìn lại sổ sách, thôi công việc thì là công việc, con của mình vẫn quan trọng hơn, con bé vừa ốm dậy. Bà đứng lên gập lại sổ sách lại rồi leo lên giường ru Tuệ Mai ngủ, có lẽ cũng do mệt mỏi nên một lúc sau bà cũng ngủ mất.
Nằm trong lòng mẹ mình, ngửi mùi nắng trên quần áo của Tiêu Nguyệt mà trái tim thấp thỏm của Tuệ Mai dần yên ổn lại, cô ngước mắt lên nhìn mặt mẹ mình. Người phụ nữ này đã hi sinh hết tuổi thanh xuân của mình cho các chồng cho con, nhưng khi bà mất đi, vừa qua một trăm ngày mất của bà, người chồng bà đã yêu hết lòng cưới người phụ nữ khác, họ ân ái đến già, thỉnh thoảng có khó khăn vướng mắc chính người chồng ấy đôi khi còn buột miệng nói ra câu trách cứ bà đã đi sớm. Còn các con của bà lớn dần lên nhưng bà đâu biết chúng còn chẳng nhớ nổi khuôn mặt của bà nữa, thật xót xa, thương thay thân phận phụ nữ của bà.
Tiêu Nguyệt không có sắc đẹp khuynh thành nhưng trên mặt bà có nét thanh tú, lông mày hình lá liễu gọn gàng, sống mũi không cao nhưng thẳng và gọn, làn da trắng mịn, mái tóc bà dài búi gọn trên đầu bằng mảnh vải buộc ngang lại cho khỏi tuột. Trên mặt lộ rõ nét mệt mỏi, có lẽ do mang thai cộng thêm các con còn nhỏ nên chăm sóc có chút vất vả. Quần áo trên người là vải thô, loại vải này tương đối phổ biến hiện nay, rất ít người có vải cao cấp hơn để mặc, Tuệ Mai nhớ chỉ cách khoảng mười năm sau thì loại vải thô này rất ít người mặc, tuy quần áo rất sạch sẽ nhưng không tránh khỏi có mấy miếng vá, miếng vá không phải vá bắng tay mà là bằng máy. Tuệ Mai nhớ nhà mình có máy khâu công nghiệp, không nhớ rõ là ba mẹ mua hay ai cho, nhưng nhìn cách ăn mặc của mẹ và các cô thì chắc chắn những bộ quần áo này đều được mẹ hoặc ba cô may, ba cô cũng rất khéo tay làm những đồ thủ công không thua kém mẹ cô. Chỉ tiếc kiếp trước ông sống như một con rùa đen rút đầu, luôn đổ tại cuộc sống khó khăn là do mẹ cô mất đi để lại, không chịu cố gắng chỉ rượu chè, lô đề, còn buông bỏ công tác ở xã nữa. Kiếp này sống lại, cô muốn thay đổi cả người ba không biết cố gắng của mình nữa. Tuệ Mai cứ nằm đó nhìn mẹ và hai anh em của mình, cảm giác sống lại thật tốt, một lần nữa nhìn thấy mẹ và người anh đã đi xa của mình.
Nằm khoảng một lúc, Tuệ Mai động đậy thân thể định tìm một vị trí thoải mái hơn thì Tiêu Nguyệt tỉnh dậy.
– Tiểu Mai, con khó chịu ở đâu? Nói cho mẹ nghe xem?
Thấy mình làm mẹ tỉnh dậy mà Tuệ Mai thật ảo não, cô muốn mẹ cô ngủ thêm chút nữa, ai biết vừa động thì mẹ cô lại tỉnh, biết thế cô cứ nằm im một chút nữa, Tuệ Mai không biết rằng từ ngày mẹ cô đẻ anh hai cô đến khi có các cô bà chưa bao giờ để mình ngủ sâu giấc, lúc nào cũng luôn để thần kinh căng hết mức trông nom anh em cô, chẳng qua do mấy hôm nay phải chăm cô suốt đêm nên mới mệt mỏi ngủ thiếp đi một chút thôi.
– Mẹ, con khỏe rồi ạ. Mẹ có mệt không?
– Mẹ không, con cứ nằm trên giường mẹ phải dậy làm việc đã, con muốn uống nước chứ?
– Con tự lấy được rồi.
Vừa nói, Tuệ Mai vừa nhảy xuống giường đi đến cạnh bàn với cốc nhựa tự rót cho mình cốc nước uống. Tiêu Nguyệt thấy con gái tinh thần không tệ nên để cô bé tự túc, bà quay ra bàn làm việc tiếp, trong lúc bà đang chăm chú tính toán sổ sách thì thấy giọng con gái mềm nhẹ vang lên sau lưng.
– Mẹ, mẹ uống nước đi.
Tiêu Nguyệt quay đầu lại thấy con gái mình đang bê một cốc nước, bà rất cảm động cầm lấy cốc nước rồi xoa đầu đứa con gái bé bỏng.
– Ngoan, tiểu Mai con lên giường nằm đi, con vừa ốm dậy đừng đứng lâu.
Tuệ Mai liếc nhìn sổ sách trên bàn, thấy các số liệu chủ yếu về nông sản thu hoạch xuân hè vừa rồi, cộng thêm chi tiêu phân bón, mà thập niên chín mươi này chưa có máy vi tính chứ nói chi phần mềm kế toán nên mẹ cô toàn phải tính bằng thủ công, vừa lâu mà lại vừa mệt nữa.
Mặc dù cô đã từng học qua kế toán nhưng bây giờ cô còn nhỏ nên không thể giúp mẹ cô làm sổ sách được, liệu có ai tin đứa bé hơn bốn tuổi chưa biết chữ lại biết tính toán sổ sách không?
Nói ra không ai tin, thậm chí họ cho cô là yêu nghiệt thì chết. Thôi cô cứ làm một đứa bé vô lo vô ưu trước rồi sẽ tính toán sau.
Tuệ Mai nghe lời mẹ quay đầu đi về phía giường nằm, trong lúc ngẩn người cô lại quan sát cẩn thận ngôi nhà của mình. Nhà cô hiện tại xây theo hình chữ L, nhà ngói năm gian, ba gian nhà ngoài kê ban thờ tổ tiên chính giữa cửa ra vào rồi kê cái bàn uống nước, bàn rộng một mét, dài hai mét, hai bên kê hai cái ghế dài, cô nhớ nếu nhà ai có công việc gì thì ở thôn sẽ đi từng nhà mượn bàn ghế. Bộ bàn ghế này cô không biết làm bằng gỗ gì nhưng cô biết nó rất tốt, đến khi cô mất mà nó còn chưa hỏng.
Bên cạnh bàn thờ nhà cô là chiếc máy may kiểu tiên tiến đang được phủ lên bằng tấm vải dù, có lẽ là tấm vải lúc bố cô đi bộ đội mang về, tất nhiên nó chỉ tốt hơn so với thời thập niên chín mươi này thôi, nó vẫn là chiếc máy may dậm bằng chân chứ không phải máy may chạy bằng mô tơ điện của những năm về sau.
Sát góc tường bên phải đi vào cạnh cái máy khâu chính là cái giường mà ba anh em cô đang nằm, nhìn cái giường còn mới tinh thơm mùi gỗ thì cô đoán cái giường này mới được đóng gần đây, có lẽ là do biết mẹ cô mang thai nên ba mẹ cô đóng thêm giường chăng?
Đối diện với cái giường chính là cửa sổ kê cái bàn nhỏ khoảng một mét mà mẹ cô còn đang vùi đầu vào làm sổ sách. Nhà ba mẹ cô xây làm theo kiểu mới là gạch đóng bằng tay, ba mẹ cô vì để xây nhà này đã phải chuẩn bị rất lâu, hai người đều tranh thủ lúc nhàn rỗi đi cắt đất về sau đó nhào nặn. Ba cô buổi tối thường thức rất lâu để đóng từng viên gạch, từng viên ngóisau đó sáng dậy sớm bỏ ra phơi, trông mưa trông nắng. Đợi dịp cuối năm nông nhàn thì đi mua than về đóng vào khuôn, cũng xếp ra xếp vào, trông trời nhìn mây đợi cho khô ráo mới xếp lò lung gạch chuẩn bị xây nhà. Sau đó mua vôi về tôi, trộn đều với cát là xây nhà.
Ở thôn quê, thập niên chín mươi này, nhà nào mà xây được nhà gạch mái ngói là cũng có của lắm, sau này, cô nghe bố cô kể lại cũng thấy tự hào.
Gian nhà trong ba mẹ cô ngăn lại để một cái hòm đựng thóc sát tường, có thể để vào khoảng một tấn rưỡi thóc, cái hòm đựng thóc này rất to làm bằng gỗ có nắp to hai cánh trên mặt, ngày mùa khi phơi được thóc khô ráo, ba mẹ cô thường đổ đầy vào hòm chống chuột và gián. Sát vách tường bên trong là cái tủ đựng bát ba tầng, tầng ở dưới đựng xoong chảo, tầng thứ hai đựng bát, tầng thứ ba có cửa đựng dầu mỡ mắm muối và nếu còn thức ăn thừa cũng cất ở trên.
Và bên cạnh tủ bát là cái chum đựng gạo và một cái chum đựng cám nấu cho lợn ăn, đối diện cửa ra vào gian phòng trong, ba mẹ kê chiếc giường, buổi tối mẹ cô và em gái cô sẽ ngủ trên giường đó.
Sát cái phòng trong là gian phòng thò ra ngoài, hồi còn bé cô luôn gọi gian phòng này là phòng lồi, nó có một cánh cửa mở trực tiếp ra hiên nhà, vì nó nối liền với mái hiên nên bố mẹ cô đã đổ bê tông luôn, chính vì vậy vào ngày mùa bố mẹ cô sẽ khuân thóc lên trên phơi. Trong gian phòng lồi này ba mẹ cô cũng đặt một cái giường để cho cô và anh hai ngủ, cô nhớ khi mẹ cô sinh em út xong em gái sẽ qua ngủ với cô, còn anh hai sẽ ngủ với ba.
Nếu so với các bạn cùng trang lứa thì cô cũng được xếp vào hàng khá giả lúc bấy giờ, bây giờ là một rưỡi chiều, nếu cô nhớ không nhầm thì mẹ cô sẽ chuẩn bị cho em gái cô đi nhà trẻ.
Đang lúc Tuệ Mai hồn đi du ngoạn thì Tiêu Nguyệt quay ra gọi Tuệ Minh và Tuệ Tâm dậy.
– Tiểu Minh, Tâm nhi dậy đi con.
Tuệ Minh xoa đôi mắt buồn ngủ ngồi dậy, sau đó cậu quay qua gọi em gái dậy. Tiêu Nguyệt bê một chậu nước vào rửa mặt cho ba anh em, lau tay chân xong rồi dặn dò Tuệ Minh.
– Tiểu Minh, con dắt em đi nhà trẻ cho mẹ nhé, hai anh em đi cẩn thận, nhớ đi sát vào lề đường nghe con.
– Dạ, con nhớ rồi ạ.
Không ngờ anh hai cô lại ngoan ngoãn mà hiểu chuyện vậy, cô nhớ hồi còn bé không thiếu bị những lúc ăn đòn của anh, mãi khi cô học lớp tám hai anh em mới hết gây gổ nhau, lúc đó anh cô đã bị bệnh nên cô đã thương anh hơn. Đúng là con nhà nghèo nên trưởng thành sớm, con gái cô kiếp trước lớp ba mà cô vẫn phải đón đưa đến lớp.