Xà Yêu - Ngọc Giao

Chương 4: Tiểu Bạch và Bạch Bạch (phần trung)



Đương khi ta chuẩn bị hạ thủ hút dương khí của một người phàm, một dải lụa trắng bỗng quấn chặt lấy tay ta.

Ngước mắt nhìn lên, đó là một bóng áo trắng, thanh tao phong nhã, tà áo phất phơ bay bay trong gió, tựa hồ thu hết muôn vạn tuyệt diễm vào mình, khiến cảnh vật chung quanh dường như lu mờ đi. 

Ta nghiêng đầu ngắm nàng ta. Khuôn mặt  đôn hậu cao quý, thần thái dịu dàng thoát tục, quả nhiên là vẻ ngoài thích hợp diễn vai “thánh mẫu”.

Ta muốn ngửa mặt lên trời thét dài, đầu năm nay tại sao “thánh phụ”, “thánh mẫu” nhàn rỗi chạy loạn xạ trên đường vậy, tùy tiện ra ngoài cũng có thể gặp được, đây là minh chứng cho số ta may mắn hay xui xẻo? 

“Thánh mẫu” thở dài nhìn ta, cất giọng dịu dàng như nước chảy nói:

“Ngươi tu thành hình người không dễ dàng gì, tại sao lại không theo chính đạo, nảy sinh tà tâm, ra tay hại người?”

“Bản cô nương thích, ngươi có thể làm gì ta?” Ta ương ngạnh vung tay áo một cái. Thanh Ngọc lăng của ta nhanh như chớp giằng đứt dải lụa trắng của nàng. 

Nàng ta vẫn bình tĩnh thu hồi dải lụa vào ống tay áo.

“Đạo hạnh của ngươi chỉ có hai trăm năm, tuy rằng trên người không biết vì sao có thêm một luồng chân khí rất hung mãnh, nhưng ngươi lại không thể khống chế nó, vì thế ngươi không phải là đối thủ của ta, hà tất cố chấp như vậy? Thả hắn ra đi, trở về trên núi tĩnh tâm tu luyện.”

“Muốn ta thả hắn cũng được thôi, nhưng mà… ” Ta mỉm cười khẽ, nhìn tên đàn ông thối đang sợ xanh mặt ngã trên đất, mi mắt chớp một cái, kiều mỵ cúi người xuống gần gã,  tay nhẹ nhàng vuốt vuốt   tóc của mình, ” Đại gia, chàng muốn theo người ta…  hay theo ả vậy?”

Âm cuối ta còn cố gắng thả nhẹ đi, khiến giọng mình ẻo lả đến mức bản thân cũng buồn nôn. Nhưng ta biết đàn ông ở  phàm giới đều thích loại giọng điệu này. Tuy rằng ta cảm thấy nó chẳng có cái gì hay ho, thế nhưng đôi khi chúng ta vì đạt được mục đích phải chấp nhận làm điều mình không thích. Đó là một cái giá nhất định phải trả, bởi vì không có thứ gì tự nhiên mà có.

Nói về quyến rũ đàn ông, không loài nào có thể sánh bằng xà yêu, ngay cả hồ ly tinh cũng phải gọi chúng ta bằng sư phụ. Có lẽ đó đã là bản năng của xà yêu, chính vì xà yêu thường sống bản năng, bị chi phối bởi thất tình lục dục, nên thường rất ít đồng loại của ta có thể thành tiên.

Gã kia  dại ra, ánh mắt si mê nhìn ta, vẻ mặt hèn hạ nói:

“Mỹ nhân, tất nhiên là theo nàng… Mỹ nhân…”

Ta trong lòng khinh bỉ loại đàn ông háo sắc này trăm ngàn lần, nhưng  ngoài mặt vẫn cười cười, kề sát vào mặt gã, giở giọng mê hoặc:

“Vậy… Chàng có muốn cưới người ta về nhà không?”

“Tất nhiên… Tất nhiên là muốn…”

Ta bỗng quay mặt đi, vờ giận dỗi nói:

“Vậy chàng lập tức về nhà bỏ thê tử rồi mới được cưới ta.”

Gã kia quả nhiên không ngoại dự đoán của ta, vội vàng hứa:

“Ta lập tức về bỏ mụ ta ngay, nàng đừng giận, nàng đừng giận!”

Ta che miệng cười, ánh mắt đanh lại, nhanh như chớp thân dưới biến thành đuôi rắn, siết chặt lấy gã. 

“A… Yêu quái… Yêu quái…”

Ta cười khúc khích, dùng Thanh Ngọc lăng quấn chặt vào cổ gã. Quay sang “thánh mẫu” vẫn lẳng lặng đứng xem kịch ở đó, ta nhe răng hung ác nói:

“Ngươi xem cho rõ đi, loại đàn ông thối tha ti tiện này chết là đáng! Ngươi có biết hay không, ngày nào thê tử của hắn cũng mạo hiểm leo lên Nga My đỉnh để hái thuốc đem bán, nuôi hắn ăn học. Mỗi lần nàng ta bị thú dữ  trên núi đánh hơi được, cũng đều do ca ca của ta cứu cả. Thế mà loại đàn ông này còn cờ bạc,  đi kĩ viện, khiến nàng ta mỗi lần lên núi  đều khóc lóc một trận thê thảm, quấy nhiễu giấc ngủ của ta. Hắn chết là đáng tội!” Nói ra một câu, Thanh Ngọc lăng trên tay càng siết chặt, gã kia tái mặt, bắt đầu thở không nổi.

Bỗng nhiên, dải lụa trắng đáng ghét nọ lại xuất hiện, đánh vào tay và đuôi của ta. Ta bị đau, đành phải thả gã kia ra. 

“Ngươi dọa hắn như vậy đã đủ, phàm nhân tất nhiên ai cũng có lúc lầm lỗi, hãy cho hắn về sửa đổi mới phải đạo, giết hắn có ích gì?”

Ta tức muốn hộc máu, xoa xoa bàn tay và cái đuôi đáng thương của mình, trong bụng lôi mười tám đời tổ tông của ả “thánh mẫu” này mắng không sót một ai.

“Ta giết kẻ đê tiện, để cứu người lương thiện, chẳng lẽ lại là sai?” Ta dùng đuôi cuốn đứt dải lụa trắng, nhe nanh múa vuốt nói.

Nàng ta từ ái nhìn ta, cười khẽ:

“Ngươi muốn cứu ai, ta sẽ tận sức giúp ngươi cứu, hãy buông tha người phàm vô tội này đi!”

Ta nghiêng đầu,  đánh giá nụ cười có chút giống Tiểu Bạch nhà ta của nàng, suy nghĩ xem có nên tin ả thánh mẫu này hay không.

Nàng ta sắc mặt không hề thay đổi, vẫn giữ nụ cười dịu dàng ấy mà nhìn ta.

Ta thoáng hạ quyết tâm, buông phàm nhân kia ra.  Gã ta lập tức vừa bò vừa chạy trối chết. Ta hừ mũi khinh thường, lại không quên dùng đuôi quấn chặt lấy tay áo ả thánh mẫu kia, phòng khi nàng ta nuốt lời bỏ chạy mất thì ta biết tìm ở đâu?

Nàng có chút bất đắc dĩ nhìn chiếc đuôi tròn lẳng của ta đang quấn chặt tay áo trắng tinh của mình, lại thở dài nói:

“Ta không chạy đâu, hãy thu đuôi của ngươi vào, đừng dọa phàm nhân.”

Ta nhe răng, hơi bất mãn,  nhưng suy đi nghĩ lại thì cứu ca ca vẫn quan trọng hơn, đành phụng phịu thu đuôi về, thay vào chỗ chiếc đuôi là tay ta quấn chặt lấy tay áo nàng.

Nàng lắc đầu, cười giới thiệu:

“Ta và muội là đồng loại, không cần đề phòng như thế.”

“Nhìn ngươi cố ý ăn mặc trang điểm như tiên nữ, hóa ra cũng là một bạch xà tinh thôi!” Ta hừ mũi một cái nhìn nàng.

Nàng ta quả là rất tốt tính, không để ý lời  châm chọc của ta, lại nói tiếp:

“Một trăm năm trước ta may mắn được Quan Âm  điểm hóa, ban cho danh Tố Trinh họ Bạch. Muội có thể gọi ta là Tố Trinh.”

Ta hơi giật mình. Bồ Tát cũng ban cho Tiểu Bạch cái tên Bạch Tố Trân.

” Quả nhiên”, ta chậc chậc lưỡi, ”  Bồ Tát việc nhiều bận rộn, cả ban tên cũng rập khuôn thiếu tính sáng tạo như vậy.”

May mắn rằng khi Bồ Tát  điểm hóa cho ca ca, ta vẫn còn là con rắn nhỏ bò lênh nghênh dưới đất, nếu không có khi nào tên của ta bây giờ sẽ là Thanh Tố Chân? Ta rùng mình một cái, đột nhiên cảm thấy Tiểu Thanh là một cái tên đẹp đẽ biết bao, ít ra cũng tốt hơn Thanh Tố Chân, vừa nghe đã thấy “thánh mẫu” đến rùng rợn. 

Quả nhiên, “Tái Ông thất mã” (1), đời người hay đời rắn cũng vậy, được chưa chắc là phúc, mất chưa hẳn là họa.

(1) “Tái Ông thất mã (塞翁失马)”. 

Nó bắt nguồn từ câu chuyện:

” Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía bắc Trung Quốc. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà rằng “Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt.”

Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở về cùng một con tuấn mã. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.”

Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, một hôm anh ta ngã ngựa gãy chân và trở thành tàn tật. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá thương tâm, Tái Ông điềm nhiên “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.” Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn và đã bị quẫn trí.

Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông tật nguyền nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.”

Hết chương 4.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.