Lúc này không hiểu tại sao, Bình Bình đang nằm trên giường bỗng tỉnh dậy, dụi mắt gọi “mẹ”. Đàm Tĩnh vội vỗ vỗ lưng cho con trai, nào ngờ cậu bé gãi bụng, dụi mắt nói: “Chưa tắm… không ngủ được.” Vừa nãy trong quán net nóng bức quá, cả hai mẹ con đều đầm đìa mồ hôi, mọi khi bà Trần chăm sóc Bình Bình rất chu đáo, hôm nào trời nóng bà cũng tắm cho cậu bé. Bình Bình quen sạch sẽ sảng khoái đi ngủ rồi, nên rõ ràng là đã ngủ, vậy mà lúc này vẫn cứ tỉnh dậy. Vương Vũ Linh vội tìm khăn tắm đưa cho Đàm Tĩnh: “Đi tắm đi, nhà này có bình nước nóng, tắm dễ chịu lắm.” Tẳm bình nóng lạnh đúng là dễ chịu thật, Tôn Bình đứng dưới vòi hoa sen, mắc lim dim như hai vành trăng non, thì thầm nói: “Mẹ, mình cũng mua bình nước nóng đi.” Rất ít khi con trai mở miệng xin cô điều gì, vì thằng nhỏ quá hiểu chuyện, biết bệnh của mình phải tiêu rất nhiều tiền mà tiền lương của mẹ không bao giờ đủ dùng. Đàm Tĩnh xót xa nghĩ, đúng là nên mua một chiếc bình nước nóng, mỗi lần tắm cho Tôn Bình, cô toàn phải bật bếp gas đun nước, nhất là vào mùa đông, phải đun cả một chậu to. Lần nào tắm xong, hai mẹ con cũng ướt đẫm mồ hôi, mà nước cũng chẳng tiết kiệm được. Nhưng cô đã ra cửa hàng xem rồi, bình nước nóng hàng hiệu phải nghìn tệ, còn cái chất lượng kém thì không dám mua, sợ nhỡ đang dùng lại xảy ra sự cố. Tắm xong, cô bế con lên giường, chợt nghe Vương Vũ Linh nói: “Hai mẹ con cậu ngủ ở đây đi, tớ sang phòng đồng hương ngủ.” Đàm Tĩnh đang định từ chối thì Vương Vũ Linh đã cầm quần áo đi tắm. Nằm trên giường, Đàm Tĩnh tạm thời gạt chuyện bình nước nóng sang một bên, hôm nay cô đã quá mệt mỏi rồi, nhất là lúc dịch hai bản tường trình trong quán net. Quán net đông đúc lại ngột ngạt, còn có bao nhiêu người hút thuốc nữa, không khí vô cùng bí bức. Cô tỉ mẩn đối chiếu từng từ một, rồi sửa ngữ pháp, chữa đi chữa lại, như đang giải một bài toán khó vậy. Ngày trước toàn là Nhiếp Vũ Thịnh giúp cô sửa bài tiếng Anh, anh học cái gì cũng nhanh hơn cô, giỏi hơn cô. Cô đã là học sinh tiếng rồi, nhưng so với anh vẫn không là gì cả. Hơn nữa, thành tích học tập mà anh đạt được, thường không phải nhờ vào chăm chỉ. “Đó là vì anh thông minh.” Anh thường lấy ngón tay gò nhẹ lên trán cô, “Cô bé ngốc ạ.” Đã bấy nhiêu năm trôi qua rồi, không ngờ khi mở trang email ra, cô vẫn còn nhớ được tên tài khoản đó. Có lẽ cô đúng là kẻ ngốc, nên mới nhớ như in từng chuyện trong quá khứ như thế. Cô thực sự đã quá buồn ngủ, cảm thấy mệt mỏi cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tiếng thở dồn dập của Bình Bình vẫn ở ngay sát bên tai cô, không như những người bình thường, cậu bé thường xuyên bị khó thở. Mỗi lần đi bệnh viện, bác sĩ đều bảo cô phải làm phẫu thuật ngay, nhưng cô đi đâu để kiếm khoản tiền phẫu thuật trên trời ấy chứ. Nhất định phải nghĩ cách, nửa đêm tỉnh dậy, cô mơ màng nghĩ, nhất định cô sẽ nghĩ ra cách. “Bác sĩ Nhiếp.” Nhiếp Vũ Thịnh quay đầu lại, nhìn thấy đồng nghiệp, anh hờ hững đáp lời: “Bác sĩ Lý.” “Hôm nay, anh gân cổ tranh cãi với Chủ nhiệm Phương, thật làm ọi người trợn tròn mắt.” Bác sĩ Lý cười hi hi nói, “Đầu tiên là cãi bằng tiếng Trung, cãi một hồi lại chuyển sang tiếng Anh, cuối cùng xổ cả tiếng Đức, hai người dẫn chứng đông tây, đem cả mấy bài luận văn mới của Hopkins ra làm chứng cứ, còn kèm theo cả di truyền học nữa, cãi nhau có trình độ như vậy, thật là hiếm có.” Nhiếp Vũ Thịnh cúi đầu: “Chủ nhiệm du học ở Đức về, nói tiếng Đức giỏi hơn tôi nhiều.” ‘Tiếng Đức giỏi hay không không thành vấn đề, mà cậu là người đầu tiên dám tranh luận với Chủ nhiệm Phương!” Bác sĩ Lý giơ ngón cái lên, tán thưởng; “Những lời cả viện này, thậm chí cả Giám đốc cũng không dám nói, mà cậu nói hết cả. Cậu thật là lợi hại, tôi phục cậu đấy.” “Chủ nhiệm Phương phản đối áp dụng công trình này, vì rủi ro của nó quá lớn. Nhưng đối với một đứa trẻ, cho dù là một cuộc phẫu thuật tim truyền thống, thì rủi ro cũng rất cao.” Nhiếp Vũ Thịnh thở dài, “Có điều các tiến bộ về y học của nhân loại, có cái nào không phải trả giá bằng rủi ro và thất bại đâu, chúng ta chẳng qua chỉ cho bệnh nhân thêm nhiều sự lựa chọn hơn mà thôi.” “Nhưng công ty thiết bị y tế đó hỗ trợ rất nhiều tiền, có thể những bệnh nhân khó khăn sẽ bắt buộc phải lựa phương phá này.” Lời của chủ nhiệm dường như vẫn rành rành bên tai, “Nhiếp Vũ Thịnh, tôi biết cậu không nghĩ như thế. Bệnh nhân lựa chọn phương pháp phẫu thuật này chắc chắn là vì họ không có tiền làm phẫu thuật kiểu truyền thống. Lương y như từ mẫu, cậu có bao giờ nghĩ rằng, nếu như cậu là người nhà của bệnh nhân, bị buộc phải lựa chọn một phương án phẫu thuật chưa hoàn chỉnh và rủi ro cao, cậu sẽ phải chịu đựng sự day dứt và áp lực thế nào không?” “Nhưng nếu như họ không có tiền để làm phẫu thuật kiểu truyền thống, thì họ vẫn phải kéo dài bệnh tình, thậm chí không chữa bệnh nữa.” Anh bình tĩnh phản bác, “Chúng ta cho bệnh nhân cơ hội, vẫn còn hơn là không cho họ cơ hội nào.” “Cậu cho họ cơ hội ư? Cậu cho họ một sự lựa chọn hoang đường thì có. Đem bệnh nhân ra làm chuột bạch để thử nghiệm phương án phẫu thuật còn chưa hoàn thiện, cậu là bác sĩ, cậu có nghĩ mỗi nhát dao của cậu đều là tính mệnh con người không?” Sau cùng, Chủ nhiệm Phương đỏ mặt tía tai tức tối, chỉ thẳng ra cửa phòng họp, “Nhiếp Vũ Thịnh, cậu cút ra ngoài ngay cho tôi!” Anh ngớ người, rồi lập tức bình tĩnh bước ra khỏi phòng họp. Chưa đến nửa ngày sau, cuộc tranh luận này đã đến tai tất cả mọi người trong khoa. Mọi người cũng chẳng thấy ai đúng ai sai gì hết, làm việc lâm sàng lâu rồi, có lúc nhìn thấy bệnh nhân cũng chẳng có cảm giác gì nữa, nhất là đối với những người ở khoa Ngoại Tim mạch, hầu như ngày nào cũng trông thấy cảnh chết chóc. Khi Nhiếp Vũ Thịnh mới đến bệnh viện, anh từng mổ cấp cứu ột bệnh nhân suốt đêm, cuối cùng không cứu được. Thấy người nhà bệnh nhân khóc lóc ầm ĩ ở ngoài phòng mổ, anh cũng lao vào nhà vệ sinh, mở vòi nước thật to rồi nước mắt cứ thế tuôn ra. Một sinh mệnh lặng lẽ mất đi như thế, ai chưa từng trải qua sẽ không thể có cảm giác sốc và kinh hãi đến vậy được. Nhưng như vậy thì sao chứ? Cuối cùng ngay cả anh cũng quen rồi. Anh sẽ cố gắng hết sức để cứu bệnh nhân, anh có thể tập trung đứng mổ cả vài tiếng đồng hồ, nhưng nếu như kết quả cuối cùng vẫn là bất hạnh, thì anh sẽ chấp nhận, coi đó là sự sắp đặt của số mệnh. Bác sĩ Lý rất hiểu tâm tình Nhiếp Vũ Thịnh, bèn vỗ vai anh nói: “Tôi biết, anh nghĩ cho bệnh nhân giường số 14 chứ gì.” Đó là một bé gái rất dáng yêu, mới có 6 tháng tuổi, do mắc bệnh tim bẩm sinh rất phức tạp nên phải chuyển lên viện của họ. Để chữa bệnh cho con, bố mẹ cô bé đã bán cả nhà ở quê, rồi lại vay mượn bạn bè họ hàng, nhưng vẫn không gom đủ tiền phẫu thuật. Hôm qua cuối cùng họ đành đề nghị xin được ra viện, ông bố trẻ nắm chặt tay anh, run run nói: “Bác sĩ Nhiếp, cảm ơn anh, con gái tôi không có phúc, thôi, coi như nó uổng công đến cõi đời này. Chúng tôi thực sự không còn cách nào khác, không chữa nữa, về đứa khác vậy.” Anh nhìn người mẹ trẻ khom lưng ôm con, vừa khóc vừa đi làm thủ tục ra viện. Những chuyện như thế này ở viện quá nhiều, không đếm xuể, nhưng anh vẫn thấy đau lòng. Những lúc như vậy, dù chỉ còn một tia hy vọng, cũng tốt hơn là tuyệt vọng đúng không? Vì thế, khi công ty thiết bị y tế nước ngoài đó đưa ra kế hoạch hỗ trợ kinh phí, anh không chút do dự bèn đề nghị Chủ nhiệm Phương chấp nhận. Kết cục, trong buổi họp, hai người bọn họ đã cãi nhau một trận. Lời của Chủ nhiệm Phương thực ra cũng có lý, anh không phải là không biết. Trên thế giới này không có gì miễn phí huống hồ lại là một công ty thiết bị y tế của tư bản. Mục đích của hỗ trợ kinh phí, đương nhiên là để quảng cáo cho các thiết bị mới như: mạch máu nhân tạo, máy bóp tim nhân thông động mạch stent v.v… Anh thấy hơi chán nản, cũng hơi không đành lòng. Không khỏi thở dài. Nghe thấy anh thở dài, bác sĩ Lý nói: “Anh đừng buồn nữa, Chủ nhiệm cũng nghĩ cho anh thôi. Nếu mà là người khác, ông còn chẳng thèm mắng ấy.” Anh biết, thực ra Chủ nhiệm Phương luôn đối xử rất tốt với anh, lần hội chẩn lớn nào cũng dẫn theo anh, cuộc phẫu thuật khó khăn nào cũng cho anh tham gia, tuy rằng anh làm tốt ông không bao giờ biểu dương, còn làm sai thế nào cũng bị mắng, nhưng những kinh nghiệm lâm sàng này thực sự vô cùng đáng quý. Chủ nhiệm Phương vốn là thầy giáo hướng dẫn tiến sĩ, ông còn đang hướng dẫn mấy tiến sĩ liền, dù không phải là đệ tử của ông, nhưng trong số tất cả bác sĩ của khoa, nhất là trong số bác sĩ trẻ, anh là người được trọng dụng nhất, hơn nữa, chủ nhiệm Phương luôn dốc lòng đem hết kinh nghiệm truyền dạy cho anh một cách hết sức vô tư. Buổi tối lúc tan làm, anh đi ra bãi đỗ xe, đúng lúc gặp Chủ nhiệm Phương. Bệnh viện có tiêu chuẩn xe cho các chủ nhiệm khoa trong bệnh viện, đặc biệt những chủ nhiệm có uy tín, đức cao vọng trọng như Chủ nhiệm Phương, không chỉ có xe mà còn có cả lái xe nữa. Nhiếp Vũ Thịnh thấy lái xe đang lật nắp ca pô lên, cúi đầu loay hoay, có lẽ xe đã bị hỏng. Giờ đã xế chiều nhưng nền xi măng của bãi đỗ xe ngoài trời ở viện vẫn nóng hầm hập, ánh mặt trời từ đằng Tây chênh chếch chiếu vào những tấm tường kính của khu nhà khám bệnh, bị phản xạ lại, càng khiến người ta thấy nóng nực. Nhiếp Vũ Thịnh vội vàng tiến lại gần, hỏi lái xe: “Sao vậy?” “Lại bị hỏng rồi.” l.ái xe ngao ngán nói, “Hình như là ắc quy hết điện.” “Hay là, Chủ nhiệm đi xe cháu vậy.” Nhiếp Vũ Thịnh nói, “Trời nóng quá.” anh, vẻ như không hài lòng, nhưng cũng không phản đối. Nhiếp Vũ Thịnh nói: “Nhân tiện cháu có hai vấn đề muốn thỉnh giáo chú, liên quan đến bệnh nhân giường số 35.” Chú nhiệm Phương tuy còn chưa nguôi giận, nhưng ông trước nay không bao giờ làm mất mặt anh trước mặt nhân viên hành chính hoặc bệnh nhân. Đây có lẽ cũng là một kiểu bao che. Có lúc giữa cả phòng bác sĩ, ông mắng té tát Nhiếp Vũ Thịnh, thế nhưng chỉ cần có y tá hay nhân viên hành chính khác đi vào, ông lập tức ngưng bặt. Vì thế mấy tay tiến sĩ do Chủ nhiệm Phương hướng dẫn thường đùa rằng Nhiếp Vũ Thịnh thực ra mới là đệ tử chân truyền của Chủ nhiệm Phương, vì anh bị mắng nhiều nhất. Chủ nhiệm Phương từng nói với các học trò: “Mắng các anh các chị là vì muốn tốt cho các anh các chị, mắng các anh các chị trước mặt những người có chuyên môn càng là vì muốn tốt cho các anh các chị. Có mặt người ngoài thì không nói nữa, người ngoài không hiểu chuyên môn, các anh các chị làm bác sĩ, trước mặt bệnh nhân cần phải có tôn nghiêm của mình.” Bây giờ trước mặt lái xe, Chủ nhiệm Phương đương nhiên sẽ không làm anh mất mặt. Nhiếp Vũ Thịnh lái xe Buick, trong đám bác sĩ trẻ, loại xe này không phải hạng xịn, nhưng cũng không rẻ tiền. Hồi đầu, Chủ nhiệm Phương rất không thích anh, cho rằng còn trẻ mà vừa đi làm đã mua xe, đúng là tính khí công tử. Sau này, quen biết đã lâu, mới hay Nhiếp Vũ Thịnh không hề mua xe bằng tiền gia đình, hồi còn học ở Mỹ anh đã bắt đầu chơi cổ phiếu cũng kiếm được kha khá. Nhiếp Vũ Thịnh chỉnh điều hòa xuống mức lạnh nhất, lúc này Chủ nhiệm Phương mới lên tiếng: “Địa chỉ nhà tôi cậu có biết không?” “Biết ạ.” Hồi năm mới, Nhiếp Vũ Thịnh còn được Chủ nhiệm Phương mời đến nhà ăn cơm, bởi vì khi xếp lịch trực anh đã chủ động xin được trực đêm 30 Tết. Tuy Chủ nhiệm Phương bề ngoài không nói gì, nhưng mọi việc nhỏ nhặt nhất ông đều để tâm, ngày hôm sau ông liền gọi anh đến nhà ăn cơm. Chủ nhiệm Phương luôn rất gương mẫu, mỗi lần trực ban ông đều trực sáng mùng Một. Vợ Chủ nhiệm Phương làm việc ở Thư viện thành phố, người hiểu biết lại rất đảm đang, bà đã nghe Chủ nhiệm Phương nức nở khen Nhiếp Vũ Thịnh từ lâu, nên cũng coi anh như con cháu, làm cả một mâm cơm để khoản đãi. Chủ nhiệm Phương rất ít khi tiếp đón đồng nghiệp ở nhà, vì thế các đồng nghiệp trong khoa thường hay nói đùa rằng Chủ nhiệm Phương quả là ưu ái Nhiếp Vũ Thịnh, tiếc rằng ông không có con gái, nếu không nhất định sẽ gả cho anh. Nhiếp Vũ Thịnh vừa lái xe, vừa thỉnh giáo Chủ nhiệm Phương về những vấn đề liên quan đến phương án chữa trị của bệnh nhân giường số 35, có hai chỗ anh không hiểu, Chủ nhiệm Phương là người rất giỏi về chuyên môn, ông tận tâm giảng giải cho anh, đến cuối cùng mới nói: “Buổi chiều cậu, là vì muốn tốt cho cậu thôi.” “Cháu biết.” “Mấy công ty nước ngoài đó làm gì có chuyện tốt như vậy, bỏ ra bao nhiêu tiền để hỗ trợ bệnh nhân, chẳng qua là vì muốn chúng ta dùng máy móc của họ thôi.” “Cháu hiểu.” “Cậu còn trẻ, nếu như chương trình này do cậu cực lực tán thành, sau này có bất cứ vấn đề gì, trách nhiệm đều là tại cậu hết. Quan hệ giữa mọi người trong bệnh viện phức tạp, tôi không muốn cậu phạm sai lầm.” Lần này, Nhiếp Vũ Thịnh im lặng giây lát mới nói: “Cảm ơn Chủ nhiệm ạ.” “Tôi ở bệnh viện này đã mấy chục năm rồi, từng dạy vô số học trò, có một đống đồ đệ. Bây giờ, tuổi đời già rồi, gan lại ngày càng bé đi.” Chủ nhiệm Phương thở dài, “Tôi cũng biết, có lúc, rõ ràng là muốn cứu người, thế nhưng cuối cùng lại thành ra hại người.” Nhiếp Vũ Thịnh có vẻ bất an, anh rất ít khi nhìn thấy mặt này trong con người Chủ nhiệm Phương. Trong khoa, nhất là ở lĩnh vực chuyên môn, ông luôn mạnh mẽ, thậm chí đến mức độc đoán. Các bác sĩ trẻ đều sợ ông, đến Giám đốc bệnh viện cũng phải nhường ông vài phần.