(“Cổ kim như mộng; Hà tằng mộng giác” trong Vĩnh ngộ lạc của Tô Thức)
Trước bữa cơm tối hôm đó, ta đã quyết định là sẽ từ bỏ việc tìm ra thân phận thật của Tú Ly. Ta nghĩ rằng cả Tiết Thống và Tiểu Giảo đều muốn ta ở lại gian nhà trúc để chữa bệnh, dạo này chứng đau đầu của ta cũng đã thuyên giảm, cho nên vì những người quan trọng trước mắt điều gì cũng có thể bỏ qua.
Thế nhưng có một người đã nhanh chân hơn ta, Hà Cơ.
Khi mặt trời vừa khuất dạng, chúng ta đang chuẩn bị ăn tối thì có người đến gõ cửa. Tiểu Kỳ đang nấu ăn sau bếp nên ta ra mở cửa giúp.
“Hà cô nương? Vào nhà đã rồi nói.”
Ta nói với Tiểu Kỳ rằng tối nay ta ăn sau, rồi dẫn Hà Cơ vào phòng mình. Ta để ý thấy hai hốc mắt cô ta đỏ hoe giống như vừa mới khóc xong.
“Hà cô nương, cô đến đây có chuyện gì muốn nói với ta sao?”
Cô ta tránh ánh mắt ta, chỉ ngồi lặng im nhìn chằm chằm vào cốc trà nóng đặt trên bàn, hai tay đặt bên dưới khẽ vò chiếc khăn tay. Ta cũng không vội vàng, ngồi đối diện gõ ngón tay chậm rãi lên mặt bàn.
Trực giác ta mách bảo chắc chắn sẽ liên quan đến cái chết của Hà Ly, mà cô ta nửa muốn kể nửa muốn im lặng, chẳng qua một phút bốc đồng có lẽ vì cãi nhau với đại ca cô ta Hà Gia Viễn nên mới vội vàng đến tìm ta vào giờ này.
Khi trống bên ngoài điểm báo còn nửa canh giờ nữa sẽ đến giờ giới nghiêm, Hà Cơ vẫn như cũ ngồi như tượng. Đối với loại người chần chừ không quyết định được, ta không làm thay mà phải thúc đẩy cô ta đến với lựa chọn mà cả hai đều mong muốn.
Ta đứng dậy bước tới mở cửa phòng làm động tác tiễn khách: “Sắp tới giờ giới nghiêm rồi, nếu Hà cô nương vẫn còn muốn uống trà thì lần tới ta sẵn lòng tiếp đãi. Để ta nhờ Tiết Thống gọi kiệu cho cô nương…”
Ngay khi ta mới lớn giọng gọi một tiếng thì cô ta đã đứng bật dậy, chiếc khăn tay nhăn nhúm vì vị vò nãy giờ rớt xuống đất.
“Diệp cô nương! Tiểu nữ muốn tìm hiểu rõ… cái chết của muội muội Hà Ly. Tiểu nữ hy vọng cô nương có thể giúp.”
Có lẽ lần này ta không thể theo lời Tiết Thống cứ thế mà bỏ qua chuyện xảy ra ở quán trọ được, vì đã không còn mỗi mình ta muốn biết nữa.
“Không phải sáng nay lúc ta tìm gặp đại ca của cô nương, hắn đã nói rõ mọi chuyện rồi hay sao, cô nương cũng ngồi đó mà.”
Cô ta lại chần chừ.
“Nếu Hà cô nương không nói rõ thì làm sao ta có thể giúp cô được cơ chứ?”
“Tiểu nữ đã hỏi đại ca thực ra đêm hôm đó đã xảy ra chuyện gì nhưng huynh ấy không chịu kể, còn nói Tiểu Ly đã làm ra chuyện bại hoại gia môn. Tiểu nữ không hiểu làm sao muội ấy có thể đến quán trọ đó, vì sao cái chết của muội ấy không minh bạch nhưng đại ca lại một mực không chịu làm rõ? Tiểu nữ biết cô nương cũng muốn tìm hiểu cái chết của bằng hữu cô nương cho nên đêm hôm mới đến tìm.”
Ta ngồi xuống bên bàn dài, trải phẳng tờ giấy vàng ngà, chặn giấy đặt ngay ngắn hai bên, tay nhấc bút chấm nước mực, không quay đầu lại mà hỏi: “Cô nương còn nhớ ngày xảy ra hỏa hoạn, muội muội cô nương đã làm gì không, càng chi tiết càng tốt.”
“Phòng Tiểu Ly ngay cạnh phòng ta, hôm đó trời tờ mờ sáng ta đã nghe thấy tiếng muội ấy thức dậy. Sau đó cũng như mọi ngày, muội ấy rửa mặt thay y phục rồi ra phòng khách ăn sáng với ta và đại ca.”
“Y phục cô ấy mặc hôm đó có gì lạ hơn hằng ngày không?” Ta đã từng nghĩ qua, có lẽ hôm đó Hà Ly đã đi gặp ai đó ở quán trọ cho nên ăn mặc cũng khác ngày thường.
Hà Cơ mở to mắt ngạc nhiên: “Sao cô nương lại biết được? Đúng vậy, hôm đó muội ấy mặc chiếc váy xanh lá non rất bắt mắt, tiểu nữ cũng lấy làm lạ còn hỏi muội ấy nhưng muội ấy chỉ nói là váy may đã lâu nhưng chưa mặc thử. Chẳng lẽ cái chết của muội ấy có liên quan đến chiếc váy đó?”
“Ta chưa thể khẳng định điều gì cho cô nương được. Cô nương cứ tiếp tục.”
“Sau khi ăn sáng xong, Tiểu Ly và tiểu nữ đều ở sân sau hậu viện thêu khăn nói chuyện với vú nuôi, muội ấy khoe ta đã thêu xong khăn tay hình đôi chim trĩ. Buổi trưa khoảng giờ ngọ hai khắc, chúng tôi dùng bữa trưa với một người biểu tỷ mới sang chơi. Suốt cả buổi chiều hôm đó Tiểu Ly nói mệt trong người nên đều nằm ở trong phòng riêng, khoảng đầu giờ Thân tiểu nữ có vào hỏi thăm vẫn thấy muội ấy nằm trên giường nên không làm phiền nữa. Buổi tối, Hà Nhi ra báo muội ấy không muốn ăn cơm, tiểu nữ định vào xem sao nhưng muội ấy từ chối nên cứ thế ra về.”
Ta ngừng bút: “Hà Nhi là ai?”
“Là nô tỳ hầu hạ của Tiểu Ly.”
“Ta thấy cô nương có vẻ rất quan tâm đến muội muội của mình, vì sao không cố vào thăm hỏi mà cứ thế bỏ về?”
“Tiểu nữ cũng cố gắng để vào xem nhưng Hà Nhi cứ bảo Tiểu Ly không muốn gặp ai cả. Diệp cô nương không biết, tính của Tiểu Ly thật ra rất cố chấp nếu đã là chuyện muội ấy không thích thì có nói thế nào cũng không lại được cho nên ta mới từ bỏ ra về.”
Ta đọc lại một lượt những gì mình vừa chép lại từ lời nói của Hà Cơ, đồng thời tìm ra được hai điểm bất thường: Thứ nhất, từ sau giờ cơm trưa không ai gặp Hà Ly nữa, có thể cô ta vẫn ở trong phòng cũng có thể cô ta đã lén lút trốn ra ngoài, điều này ngoại trừ tỳ nữ Hà Nhi ra không ai biết được mà Hà Nhi lại một mực ngăn cản Hà Cơ vào phòng. Điểm thứ hai là khăn tay thêu đôi chim trĩ, theo như ta biết chỉ có tặng cho tình lang thì mới thêu hình này, có thể hôm đó Hà Ly đã trốn đi gặp một người nào đó mà chắc chắn người này phải là nam nhân. Muốn biết những điều ta đoán có đúng hay không chỉ có thể tìm Hà Nhi để hỏi.
Ta đem chuyện này hỏi Hà Cơ: “Hà Nhi hiện giờ đang ở đâu?”
“Từ sau khi Tiểu Ly qua đời, đại ca tức giận vì Hà Nhi không chăm sóc được muội muội nên đã đuổi nàng ấy về quê. Tiểu nữ có khuyên ngăn nhưng huynh ấy còn cấm tiểu nữ không được liên lạc hay giúp đỡ Hà Nhi.”
“Cho nên hiện giờ cô nương cũng không biết Hà Nhi ở đâu.”
Hà Cơ lắc đầu buồn bã.
“Vậy còn khăn tay thêu hình chim trĩ, ta nghĩ là tặng cho người nào đó, cô nương có biết là Hà Ly bên ngoài có quen biết nam nhân nào không?”
“Lúc nhìn thấy hình thêu đó tiểu nữ cũng có dò hỏi, muội ấy chỉ nói là chuẩn bị trước cho tương lai. Nhưng sau khi muội ấy qua đời, ta thu dọn đồ đạc trong phòng lại không tìm thấy chiếc khăn tay đó, hôm nay cô nương nhắc mới sực nhớ ra.” Hà Cơ ngây thơ kể không chút nghi ngờ.
Thế là mọi manh mối đều lâm vào ngõ cụt, ta đặt bút xuống để gió ngoài cửa sổ thổi khô nét mực nồng đậm. Đứng dậy đi quanh phòng một vòng rồi dừng lại bên cạnh Hà Cơ.
“Dù sao đêm cũng đã khuya, gần tới giờ giới nghiêm Hà cô nương nên trở về tránh khiến cho đại ca cô lo lắng, có gì mai cô nương hẵng đến lại. Chuyện của muội muội cô cũng là chuyện của Tú Ly, ta cần thời gian để suy nghĩ kỹ càng tránh đổ oan người vô tội.”
Trong lúc Tiết Thống gọi kiệu tiễn Hà Cơ về, Tiểu Kỳ trong phòng đang giúp ta trải nệm ngủ. Nàng ấy cúi mặt chăm chú làm việc không để ý đến ta nãy giờ đang quan sát mình. Đột nhiên trong đầu ta bỗng bật lên một ý nghĩ: “Những người quanh mình có bao nhiêu là chân thật đối đãi bao nhiêu là giấu diếm thân phận. Rốt cuộc chuyện vừa xảy ra, bao nhiêu là mộng bao nhiêu là thực. Đời người xưa nay như mộng, mấy khi tỉnh táo mà làm chuyện sau này không hối tiếc.”
Tối hôm đó sau khi Hà Cơ rời đi, Tiết Thống chỉ đến một lần hỏi ta có chắc chắn với quyết định của mình hay không, ta không nói chỉ gật đầu xem như câu trả lời.
Cả đêm ta không tài nào chợp mắt được, trong đầu chỉ loanh quanh luẩn quẩn những chuyện xảy ra hôm hỏa hoạn, những lời nói của Hà Cơ, những đầu mối bị đứt đoạn giữa chừng.
Dù bao nhiêu chuyện xảy ra, ta vẫn cố chấp giữ trong lòng một lời biện minh cho việc Tú Ly bỏ đi không một lời nói, nhưng làm sao có thể thôi ăn năn với Nam Điền được. Ít nhất nếu một ngày nào đó gặp lại Tú Ly, ta sẽ hỏi rõ vì sao ngày đó lại bỏ mặc Nam Điền trong đám cháy. Hoặc giả dụ nếu nàng ấy nói rằng thực ra Nam Điền chưa chết, thi thể dưới nấm mồ lạnh kia chỉ là người xa lạ nào đó, thực ra Nam Điền đã lấy vợ sinh con, thực ra giả dụ chỉ mãi là giả dụ thôi.
Trăng bắt đầu mờ dần, mặt trời còn chưa ló dạng nhưng đã tỏa ánh sáng tản mát khắp bầu trời xuân.
Ta trở mình thức dậy, khoác thêm áo ngồi vào bàn dài đặt cạnh cửa sổ. Tờ giấy tối hôm qua vẫn còn nguyên đó, mực đã khô cứng, nét thanh nét đậm hiện lên rõ rệt tựa như lòng ta lúc này. Đã quyết định rồi thì sẽ không hối hận nữa.
Sau khi dùng xong bữa sáng rồi uống bát thuốc như thường lệ, ta và Tiết Thống rời khỏi gian nhà trúc đến quán trọ Đầu Túc. Bởi vì cả Hà Nhi và chiếc khăn thêu đôi chim trĩ đều là đầu mối nhưng một người không thể liên lạc một vật lại vô lý mất tích, cho nên ta quyết định phải đến quán trọ Đầu Túc nơi xảy ra hỏa hoạn để hỏi tiểu nhị xem đêm đó đã xảy ra chuyện gì.
Hai bọn ta vừa ra khỏi cổng thì gặp ngay Hà Cơ đến, cô ta nói muốn đi theo đồng thời cũng có một vật muốn đưa cho ta.
Ta và Hà Cơ ngồi trong xe ngựa còn Tiết Thống đi bên cạnh. Khi xe rẽ vào một con đường thưa người, Hà Cơ lôi ra từ trong túi vải đeo bên người một chiếc bông tai đặt vào trong tay ta. Chiếc bông tai này trông rất đơn giản, tùy tiện chọn ngoài chợ cũng có hàng trăm chiếc như vậy, thế nhưng điều gây chú ý là viên ngọc trai màu hồng đính kèm nó. Kích thước của viên ngọc to hơn so với những loại ngọc bình thường mà ta từng thấy qua, bề mặt nhẵn mịn một cách ngạc nhiên. Nếu nhìn kỹ ánh hồng phát ra từ sâu trong viên ngọc cũng thay đổi, khi ta đưa nó ra dưới ánh sáng trực tiếp của mặt trời, màu hồng sẽ càng đậm nét hơn tỏa sắc cầu vồng. Lúc còn đóng giả làm Đào Anh, vì muốn điều tra các con đường thông thương ngoại quốc của Đại Phù ta đã cải trang thành thương nhân tìm hỏi nhiều loại hàng hóa. Có một lần vào trong cửa hàng trang sức, ta vô tình tận mắt chứng kiến một loại ngọc trai vừa to vừa bóng sáng nhưng giá cả cũng không hề nhỏ, vậy mà ai cũng tranh nhau mua không tiếc tiền. Cả thành chỉ có một cửa tiệm đó bán, hỏi ra mới biết là ngọc trai biển hoàn toàn tự nhiên nhập khẩu từ một quốc đảo nhỏ ngay giữa biển tên là A Khâu Nha, nên ngọc trai cũng được gọi là ngọc trai A Khâu Nha.
“Là ngọc trai của A Khâu Nha? Nhưng vì sao lại có màu hồng, bình thường là màu trắng ngà mà?” Đúng vậy, loại mà ta thấy ở Đại Phù chỉ có một màu trắng ngà hoặc trắng sáng.
“Đây là ngọc trai hồng rất hiếm của A Khâu Nha, trăm con mới tìm được một viên. Chiếc hoa tai này là chiếc Tiểu Ly đang đeo khi phát hiện thi thể trong đám cháy. Lúc đó tiểu nữ đã giấu đại ca mang đi cho nên huynh ấy không hề biết về sự tồn tại của nó. Tiểu nữ nghĩ là Diệp cô nương có khi cần đến nên hôm nay mới mang theo.”
Ta không chắc nó có liên quan gì đến cái chết của Hà Ly hay sự mất tích của Tú Lý hay không, nhưng kỳ lạ là vì sao chỉ có một chiếc, thông thường chẳng phải là một đôi sao. Cũng không phải mỗi mình ta thắc mắc, cả Hà Ly cũng không thể giải thích vì sao.
“Đây là lần đầu tiên tiểu nữ thấy đôi hoa tai này, trước nay Tiểu Ly chưa từng mang nó nên tiểu nữ cũng không rõ là ai tặng.”
Xe ngựa tiếp tục lăn bánh về phía quán trọ Đầu Túc ở gần cửa thành. Mặt trời đã bắt đầu lên cao chiếu xuyên qua rèm cửa sổ nhỏ, rải dài nhẹ nhàng trên tà váy của Hà Ly. Đúng lúc xe đi ngang qua chỗ gập ghềnh, thân ngựa rung động làm màn che bị xốc lên, lúc này ta mới phát hiện cây hồng mai bên đường đã thưa dần những cánh hoa. Thế là lại một mùa đông nữa qua đi, vậy mà chuyện cũ cứ lần lữa kéo dài mãi bao giờ mới dứt đây?
Bỗng dưng nhớ nhà quá đi…