Tôi vừa ra khỏi cổng sân bay, trông thấy một bóng áo hồng đang dáo dác ngó nghiêng. Chuyến đi này khá đột ngột, tôi cũng không kịp thông báo với Đông Đông, nên chắc chắn không có chuyện cậu ta lại đi “thông tri” được. Chẳng nhẽ Trái Đất bị “hồng hóa” rồi? Đây là Tokyo. Tokyo đó! Sao đến nước ngoài lại còn có thể “trùng hợp” gặp phải cô ta thế này?
Vốn định cách xa cô nàng một vạn tám ngàn dặm. Nhưng nhìn bộ dạng đi qua đi lại, gãi đầu gãi tai của cô nàng tôi đành thở dài bước tới.
“Trân”.
Cô nàng nghe tôi gọi thì quay đầu lại, sau đó dụi dụi mắt.
“Sao anh lại ở đây?”.
Câu này phải để tôi hỏi mới đúng.
“Tôi có công việc. Em đi du lịch một mình? Đã đặt khách sạn chưa?”.
“Em đi thực tế lấy tư liệu viết luận văn. Điện thoại không gọi được nên chẳng biết làm thế nào…”.
“Không gọi điện thoại được có thể trực tiếp bắt taxi. Em đứng đây làm gì?”.
Cô nàng mếu máo:
“Nãy giờ em đón hai xe rồi, chẳng tài xế nào biết tiếng Anh cả. Em lại chẳng hiểu người ta nói gì”.
Tôi khó hiểu hỏi:
“Chuyên ngành của em không phải tiếng Nhật? Vậy em viết đề tài gì ở đây? Mà trước tiên chúng ta đi cái đã. Tôi đói bụng rồi”.
Tôi kéo vali màu hồng của cô nàng, đón xe rồi đọc địa chỉ cho tài xế. Sau đó nghe cô nàng kể rõ ngọn ngành. Ra là chuyến đi của cô nàng và tôi có cùng mục đích. Tôi là vì có một người nhờ vả, trước kia được ông ấy giúp đỡ, nên tôi nhận lời sang đây. Còn Trân vì muốn có điểm cao, ôm cái luận văn không phải chuyên môn này. Ra nước ngoài viết luận văn, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện như vậy. Chẳng có ai giành đề tài với cô nàng. Mà người nhờ tôi chính là hiệu trưởng trường Trân đang theo học. Tôi thở dài trong lòng, cái này có tính là trùng hợp hay không đây?
Dắt cô nàng đến một quán ramen mà tôi quen thuộc. Gọi ba bát, trong lúc đợi người tới. Thức ăn vừa được mang ra, có giọng một chàng trai khẩu âm Osaka sau lưng lên tiếng:
“Alex-san!”.
Tôi quay đầu lại, ngón tay trỏ gõ gõ mặt bàn đang đặt sẵn ba bát ramen, cười nhìn cậu ta:
“Cùng ăn đi. Tôi đi vội nên không báo trước được, không phiền cậu chứ?”.
Cậu ta nhanh nhẹn ngồi xuống.
“Không phiền đâu. Anh đến lúc nào em cũng hoan nghênh cả. Sao không trực tiếp đến nhà em dùng bữa? Anh vẫn đặt một phòng đơn như cũ phải không? Để em gọi về dặn mẹ dọn phòng trước”.
Gia đình cậu ta có một nhà nghỉ nhỏ rất thân thiện và mến khách. Tôi hơi dịch người một chút, giới thiệu Trân với cậu ta:
“Tôi còn có bạn đồng hành, cậu đặt giúp tôi hai phòng đơn. Cô ấy tên Trân, kém cậu một tuổi”.
“Xin chào, tôi là Hattori Sorai. Hân hạnh làm quen với em”.
Tôi khá quen thân nên gọi cậu ta là Hattori, thay vì gọi Hattori-kun cho lịch sự. Hơn nữa, tôi thích nhân vật cậu thám tử học sinh “Hattori Heiji”. Trùng hợp là cậu bạn Hattori này của tôi cũng có làn da ngăm đen như dân chài ven biển, và chất giọng Osaka nghe cực kì dễ chịu. Có cái gì đó ấm áp và vui vẻ trong chất giọng đó, giống như giọng người Thừa Thiên – Huế của Việt Nam.
Tôi dịch lại sang tiếng Việt cho Trân nghe. Cô nàng mỉm cười chào hỏi lại với Hattori bằng tiếng Anh. Hattori là sinh viên đại học Tokyo, tiếng Anh đương nhiên rất tốt. Ba người có thể thoải mái trò chuyện bằng Anh ngữ. Nhưng tôi có một nguyên tắc tự đặt ra cho mình, khi đến đất nước nào tôi đều chỉ dùng ngôn ngữ người dân đất nước ấy để giao tiếp với họ. Tiếng Trung của tôi tạm ổn, tiếng Hàn chỉ dừng ở mức nói được những câu cơ bản. Nhưng ngoại trừ công việc chuyên môn, lúc hỏi đường hay đến nhà hàng khách sạn, tôi vẫn thích nghe tiếng mẹ đẻ của đối tượng mình giao tiếp hơn.
Trân kéo kéo tay áo tôi, nhỏ giọng hỏi:
“Sao anh ấy lại gọi anh Soạn là Alexsandros?”.
Thấy cô nàng hiểu lầm tôi buồn cười giải thích:
“Không phải Alexsandros nổi tiếng kia đâu. Là Alex-san. “San” là hậu tố sau tên, cậu ấy gọi tôi là “anh Alex”.
Trân le lưỡi. Hattori nháy mắt với tôi.
“Cô ấy là bạn gái anh hả?”.
Tôi nhẹ nhàng lắc đầu.
“Là người quen, trùng hợp gặp ở sân bay”.
Cậu ta vốn không phải người ưa nhiều chuyện, thấy tôi bảo không phải liền gật đầu một cái, cầm đũa lên.
“Itadakimasu”.
Trân nghe tôi và Hattori đồng thanh lên tiếng và cùng lúc làm động tác chắp tay giống nhau, đều tăm tắp thì tròn mắt nhìn. Bọn tôi bật cười, mau mắn tập trung vào tô mì trước mặt. Hai người đàn ông bọn tôi ăn xong trước, lại chắp tay lần nữa.
“Gochisousamadeshita”.
Hattori rút điện thoại gọi về nhà giúp tôi đặt phòng. Đợi Trân ăn xong, tôi thanh toán rồi giúp cô nàng mang vali, rảo bước theo chân Hattori về nhà nghỉ. Nhà cậu ta cách quán ramen này chỉ hơn năm phút đi bộ. Cậu ta đến đây khá thường xuyên, chả khác gì Naruto vẫn hay chạy tới quán ramen của ông chú Ichiraku; nơi này cũng là nơi gặp mặt đầu tiên của bọn tôi.
Lúc bước vào nhà nghỉ, mẹ Hattori đang khuân đống chăn gối to đùng đi trong hành lang. Tôi đứng trước Hattori nên vội chạy đến giúp. Ôm một ôm, vác đống chăn gối đã buộc thành bó to kia lên vai, tôi mỉm cười hỏi:
“Mang đến phòng giặt đúng không ạ?”.
Cô Naoki, mẹ Hattori reo lên:
“Alex-san, nghe Hat-chan nói cháu tới, tôi mừng lắm. Đưa chăn cho tôi nào”.
Hattori chạy tới đỡ lấy đống chăn, nhăn nhó:
“Mẹ lại gọi thế rồi, đừng có gọi thế nữa đi”.
“Hat-chan là Hat-chan, còn gọi thế nào nữa? Mau đi đun nước cho Alex-san và bạn cậu ấy”.
Tôi cũng góp vui:
“Nhờ cậu nhé, Hat-chan!”.
Hattori lảo đảo, quay sang tôi hậm hực:
“Alex-san, anh đừng học theo mẹ em. Cẩn thận không em bỏ bọ vào bể tắm của anh!”.
Cô Naoki chống nạnh, quắc mắc nhấn giọng:
“Hattori Sorai!”.
Cậu ta cười khùng khục, vác chăn chạy đi.
“Có lẽ cậu ấy muốn được gọi thế nên mới cố ý chọc cô nổi giận đấy. Chú đâu rồi hả cô?”.
Cô Naoki dời mắt khỏi bóng lưng con trai, từ ánh nhìn đang giận dữ khi chuyển sang tôi lại trở nên rất dịu dàng.
“Ông ấy nghe Alex-san tới, đã chạy đi mua rượu rồi. Nói là lần trước, Alex-san đi gấp quá. Lúc nãy Hat-chan gọi về, ổng nghe cậu ở lại năm ngày liền ngoác miệng cười, chộp lấy ví chạy thẳng ra cổng. Alex-san đợt này vẫn công tác ở Tokyo à?”.
Tôi vẫy vẫy Trân đến, vừa giúp cô nàng điền thông tin vào sổ khách trọ, vừa trả lời.
“Bọn cháu đến dự lễ hội Obon. Đêm cuối lễ hội mới đến Kyoto. Sáng ngày thứ năm sẽ quay lại đây lấy hành lý để về Việt Nam”.
Đang dịp nghỉ hè nên Trân cũng không lo bỏ học phần. Còn tôi mỗi lần có dịp đến đất nước mặt trời mọc, đều nấn ná muốn ở lại lâu thêm một chút. Cô Naoki mỉm cười, dẫn bọn tôi về phòng, vừa đi vừa nói:
“Đến dự lễ hội à? Thế thì Alex-san không phải vất vả như mấy đợt trước nhỉ? Hat-chan cũng được nghỉ mấy ngày, để nó đi cùng hai người. Cậu muốn đến Kyoto xem Lễ dâng lửa đúng không?”.
Tôi gật đầu:
“Vâng, đã tham gia lễ hội Obon thì không thể không xem Lễ dâng lửa được”.
“Alex-san vẫn hiểu rõ Nhật Bản nhỉ? Từ con người đến cả truyền thống văn hóa. Thế nên ông nhà tôi mến Alex-san lắm!”.
“Cháu cũng thích nói chuyện với chú ấy. Nhất là mấy truyền thuyết xa xưa, hấp dẫn vô cùng cô ạ!”.
Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến. Tiếng bước chân mạnh mẽ bước dọc theo hành lang lót gỗ, đi kèm là giọng nói một người đàn ông vang lên:
“Rượu đã về rồi đây. Tối nay chúng ta ra hiên nhà. Chuyện về Baku đảm bảo Alex-san sẽ thích!”.
Cô Naoki dùng tay áo che miệng cười với tôi:
“Nhà tôi có bức họa cổ vẽ Baku, có từ thời Edo. Ông ấy quý nó lắm, nên muốn khoe với Alex-san đấy mà. Chứ chuyện về Baku thì có gì hay ho đâu nào”.
Baku là yêu quái ăn giấc mơ. Truyền thuyết này có cả ở Nhật Bản và Trung Quốc. Cô Naoki là phụ nữ, có lẽ không thích nghe mấy chuyện ma quái. Tôi thì ngược lại. Những truyền thuyết dân gian ở Việt Nam quá ít, cũng không đủ kịch tính khiến tôi mê mẩn. Xứ sở Phù Tang lại là đất nước có vô vàn những điều lạ lùng lý thú. Tôi có cảm giác mình đến nơi này như Alice lạc vào xứ sở thần tiên vậy.
Shintaro-san bước đến gần, thân thiết vỗ vai tôi.
“Alex-san đến dự lễ Obon đúng không?”.
“Vâng, ngày mốt bắt đầu lễ hội. Cháu định mai trống lịch một ngày, tranh thủ nhờ Hattori cùng đi đến Osaka một chuyến”.
Nếu không có chuyến đi đột xuất lần này thì sắp tới tôi cũng sẽ đi Nhật, đến Oska để viết bài. Giờ nếu đã tới đây rồi, một công đôi việc, dù sao tôi cũng rảnh được một ngày.
Cô Naoki “a” một tiếng, nói:
“Alex-san và cô bé này chưa có yukata đúng không? Dáng người cậu với Hat-chan chẳng lệch đi đâu, tôi có may một bộ yakata mới cho nó. Alex-san không chê thì mặc nhé. Còn bạn của cậu, để tôi gọi Ayumi-chan hỏi, con bé có nhiều yukata lắm”.
Tôi liền xua tay:
“Thế sao được ạ! Cháu giành áo mới của Hattori, cậu ấy còn không bỏ bọ vào bể tắm của cháu à?”.
Vốn là nói đùa, nhưng Shintaro-san nghe xong liền la lên “Cái gì?”, rồi xắn tay áo hùng hùng hổ hổ đi về phía bể tắm. Tôi trợn mắt nhảy dựng lên, muốn chạy theo giải thích. Cô Naoki lại ôm bụng cười, ngăn tôi lại.
“Năm ngoái Hat-chan nói đùa với cậu, ông ấy chẳng nghe được đầu đuôi, nghe mỗi một câu: “Cẩn thận em đá anh về Việt Nam”. Lập tức đấm cho nó một phát. Giờ lại thế rồi, để tôi đi nói rõ với ông ấy, không là Hat-chan bị dìm trong bể nước mất thôi. Chuyện yukata, Alex-san đừng ngại. Chúng tôi cũng muốn ngắm cậu mặc trang phục truyền thống Nhật Bản mà”.
Cô mỉm cười với hai người bọn tôi rồi vội vàng chạy đi ngăn “chồng đánh con”. Tôi chịu thua lắc lắc đầu. Vụ năm ngoái, tôi nhìn Hattori biến thành gấu trúc tím đen một mắt mà áy náy. Cậu ấy chỉ cười xuề xòa, bảo là: “Ông già” này chả có khiếu hài hước gì cả, ổng cứ sợ em bất lịch sự với khách trọ! Em có bất lịch sự với khách bao giờ. Hơn nữa, Alex-san đâu phải chỉ là khách đâu”.
“Anh Soạn thích quá nhỉ? Ai ai cũng yêu quý anh!”.
Tôi nhìn cô gái đang mỉm cười với mình, mở cửa phòng cho cô nàng, giao lại chìa khóa rồi dặn:
“Em cất hành lý, tí có nước rồi tắm. Có gì cần thì gọi, tôi ở ngay phòng bên cạnh. Ngày mai tôi định đi Osaka, em có thể tự do tham quan ở Tokyo một ngày. Tối mai bọn tôi trở lại”.
Trân vội hỏi:
“Em có thể đi cùng anh không? Lễ hội chưa bắt đầu, em ở lại đây cũng không có việc gì để làm”.
Tôi thật tình không muốn bị cô nàng quấn lấy, thử đề nghị:
“Em ở lại xem cô Naoki chuẩn bị đồ đạc cho lễ hội cũng tốt mà, rất có ích cho việc viết bài của em đấy”.
Cô nàng chu môi:
“Cô ấy nói tiếng Nhật em có nghe hiểu được đâu. Em cũng muốn đi Osaka nữa, em tự trả tiền vé được mà. Nha anh? Nha?”.
Cái chiêu làm nũng này thật là làm con người ta khó ở mà. Tôi bất lực gật đầu.
“Cảm ơn anh, hi hi”.
Xoay người về phòng, tôi sắp xếp lại quần áo và đồ dùng mang theo. Mở cửa sổ nhìn ra khoảnh vườn, tôi chống tay lên bục cửa, để gió vờn trên mặt. Khe khẽ thì thầm:
“Dù đi đến tận cùng thế giới, cậu vẫn luôn ở bên dõi theo tớ. Đúng không, An ơi?”.