30 Tết, tôi gọi điện cho bố mẹ.
Tôi: “Bố mẹ, chúc mừng năm mới.”
Thầy Lâm: “Chúc mừng năm mới! Con xem, con đi lấy chồng, không còn ai ăn Tết với chúng ta nữa rồi.”
Tôi: “Cố Ngụy còn ăn Tết một mình kia kìa, đáng thương hơn nhiều.”
Thầy Lâm: “Thế bảo nó đến ăn Tết với chúng ta.”
Mẹ tôi ngồi bên cạnh: “Ông hấp à?”
Thầy Lâm: “Làm sao? Sao mà không thể cùng hai ta ăn Tết? Bà xem, thằng bé đáng thương như thế!”
Mẹ tôi giật lấy điện thoại, trực tiếp xóa đi sự tồn tại của thầy Lâm: “Công việc thế nào rồi?”
Tôi: “Tết nhất như này, mẹ chắc là muốn nói chuyện công việc sao?”
Mẹ tôi: “Mẹ hỏi cho có thôi.”
Tôi: “Nếu còn sống, tuần sau con có thể về rồi.”
Mẹ tôi: “Chẹp, năm mới năm me.”
Thầy Lâm bỗng ghé vào: “Lâm Chi Hiệu, bố nói cho con một chuyện, tháng trước hai chúng ta tới thành phố X, cả họ cùng nhau đàn đúm một bữa bét nhè, tổng kết một chập, con chính là người kết hôn sớm nhất họ trong vòng một trăm năm nay!”
Trong vòng một trăm năm…
Tôi: “Chẹp. Cách tính này không khoa học. Nếu tính tổng tuổi hai vợ chồng con thì chắc chắn không phải nhỏ nhất.”
Thầy Lâm: “Cố Ngụy đâu có mang họ Lâm.”
Tôi: “Ba đời chỉ có con là con gái, con kết hôn sớm chút cũng hợp lí quá còn gì.”
Mẹ tôi lại lần nữa giật điện thoại: “Ý của bố con là muốn con ở cạnh bên ông ấy thêm đôi năm.”
Thầy Lâm: “Hi hi hi hi hi.”
Tôi: “Làm nũng mà cũng vòng vèo thế…”
– ——————————–
Anh Cố ở nhà bố mẹ ăn xong bữa cơm tất niên liền chuồn về nhà từ sớm.
Vì thế, lúc tôi gọi điện thoại về, bảo anh đưa điện thoại cho bố mẹ…
Anh băng lãnh nói: “Làm gì?”
Tôi: “Chúc Tết.”
Cố Ngụy: “Anh đang ở nhà một mình.”
Tôi cảm nhận sâu sắc được rằng anh Cố đang cố tình gia tăng cảm giác áy náy phạm tội trong tôi.
Tôi: “Chúc mừng năm mới.”
Cố Ngụy “ừm” một tiếng. “Chúc mừng năm mới.”
Tôi nói như đọc thuộc: “Chúc anh… một năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý.”
Cố Ngụy lại nửa “ừ” nửa “hừ”.
Tôi nhìn trời nhìn đất: “Anh đang làm gì thế?”
Cố Ngụy: “Đang nghe điện thoại.”
Tôi: “Không xem Chào xuân à?”
Cố Ngụy: “Nguyên một tuần tới sẽ chiếu đi chiếu lại, anh xem lại thôi cũng đủ chán ngấy rồi.”
Tôi: “Thế… không đi ngủ sao?”
Cố Ngụy: “Em bảo anh đi ngủ lúc này?”
Cuộc trò chuyện đã bắt đầu trở nên khoai sọ.
Tôi: “Thế… thế em cúp máy trước nhé.”
Cố Ngụy: “Làm gì?”
Tôi: “Gọi điện chúc Tết bố mẹ.”
Bỗng nhiên Cố Ngụy nói rất hòa ái: “Được. Bai bai.”
Tôi: “Bai bai.” Rồi run rẩy cúp máy. Sau khi gọi điện chúc Tết cả bố mẹ và ông bà, tôi trầm tư suy xét nửa ngày, vẫn gọi lại cho Cố Ngụy.
Cố Ngụy: “Hử?”
Tôi: “À…” Không biết nói cái gì.
Cố Ngụy: “Anh chỉ được nghỉ có bốn ngày.”
Tôi: “Ồ.”
Cố Ngụy: “…”
Tôi: “???”
Cố Ngụy thở dài: “Anh đi ngủ đây.”
Tôi: “Cái đó… Cố Ngụy.”
Cố Ngụy: “Ừ.”
Tôi: “Em… em sắp về rồi.”
Tết đầu tiên sau khi hai ta kết hôn, em không thể ở bên anh, em xin lỗi.
Nếu như ban đầu biết rằng sẽ phải đi một thời gian lâu như thế, em nhất định sẽ không cất bước vui vẻ dứt khoát như vậy.
Em đã từng trải qua cảm giác đó, em biết vô cùng khó chịu, vì thế càng chẳng biết phải làm sao để an ủi anh.
Em hứa, Tết năm sau, em nhất định ở bên cạnh anh, không đi bất kì đâu, chỉ ở trong nhà, chỉ có hai chúng ta.
Em cũng không thể chắc chắn sau này mỗi khi Tết đến chúng ta đều có thể ở bên nhau, như chỉ cần có cơ hội, nhất định em sẽ không để anh cách xa như hiện tại.
Mùng 2 Tết, anh Cố thay tôi về chúc Tết bố mẹ vợ, ở lại một đêm, một mình nằm trên chiếc giường trải bộ chăn ga tôi mua hôm cưới.
Anh nói: “Đỏ rực như hỉ sự vậy.”
Lần gần nhất tôi dùng bộ chăn ga ấy chính là lần trở về sau tuần trăng mật.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy anh Cố quá đáng thương.
Vì thế tôi hỏi lại anh: “Có nhớ em không?”
“Nhớ. Nhớ tới mức sắp quên luôn rồi.”
Tháng đầu tiên hai chúng tôi cách xa, thích nghi rất tốt. Món gà xào cung đình đã khiến tôi nhanh chóng hòa nhập được với mọi người. Chỉ có điều, nửa đêm thức dậy, đầu giường không còn chiếc cốc giữ nhiệt nào đó nữa. Tôi cuộn tròn chăn, khịt khịt mũi. Cố Ngụy nói mỗi người đều có một mùi hương đặc trưng. Tôi vô cùng nhớ nhung mùi hương dịu dàng ấm áp man mác trên làn da anh.
Tháng thứ hai, nhiệt độ liên tục hạ xuống thấp. Tôi bị cảm cúm nên cái mũi này coi như bỏ, tắc thở. Nhìn ra bên ngoài khung cửa, có một đôi vợ chồng trẻ đang dắt chó đi tản bộ, hầu như mỗi ngày vào giờ này họ cũng đều dắt chú chó đốm ấy ngang qua đây. Tôi nhạt nhẽo nghĩ, có lẽ tôi sẽ không bao giờ muốn chia sẻ Cố Ngụy với bất kì loài động vật nào.
Tháng thứ ba, mùa đông đến rồi, ngày ấm đêm lạnh. Tôi thả tóc ra để cho chúng bay lòa xòa trên đầu vai. Tôi đi quẩn quanh trong thành phố P dưới cơn mưa với tán dù to mà bố cô bạn cùng phòng đã tặng, nhớ lại mong muốn từ rất lâu của mình: Có thể cùng Cố Ngụy sóng vai đi đến chân trời góc bể. Nhất là lúc này, tôi khao khát muốn được lách bàn tay mình vào lòng bàn tay anh, nói cho anh nghe, đây là thành phố mà em đang sống.
Tháng thứ tư, cái Tết đầu tiên sau khi kết hôn, hai chúng tôi cách nhau cả một vùng trời. Tôi mua cho chồng tôi một chiếc mũ len lông cừu, cảm thấy nếu như anh đội nó chắc chắn sẽ rất đẹp. Tôi đã quen gọi anh là “chồng tôi”. Hôm tới lễ đường tham dự hôn lễ của một chị đồng nghiệp, ánh tà dương chiếu rực rỡ, cha xứ cất giọng hiền hòa: “You belong to each other.” (Hai con đã hoàn toàn thuộc về nhau). Tôi cảm thấy lời tuyên thệ này thật đẹp đẽ. Trên thế gian này, có một người thuộc về tôi, và tôi thuộc về người đó. Ánh nắng xuyên qua hàng kính trong suốt, nhảy nhót trên chiếc nhẫn của tôi. Tôi muốn nắm chặt những tia nắng nhỏ vụn ấy trong bàn tay mình. Đột nhiên tôi cảm thấy, cho dù tôi và anh ở hai thành phố cách nhau xa thật xa cũng có thể có một tình yêu trọn đời.
Tháng thứ năm, dự án thành công mĩ mãn. Tôi chuẩn bị phải rời xa thành phố đáng yêu này.
Bạn cùng phòng nói: “Chúc mừng cậu. Cậu có thể ở bên chồng rồi.”
Tôi để lại cho cô ấy một cuốn bí kíp nấu ăn viết tay của mình. Cô ấy cực thích món thịt thái sợi chưng tương, sống chết muốn học được món đó về khoe mẹ.
Bánh chocolate hạnh nhân trong tiệm bánh góc quảng trường, phòng thực hành với kiến trúc vòm cong cong, hiệu sách cũ cổ xưa ở cổng trường học, ông chủ tiệm hay cười có nuôi một chú chó Maltese hảo ngọt, cùng các đồng nghiệp và các bạn học đáng yêu. Tôi đã quen với việc mỗi buổi sáng sẽ có người nói với tôi rằng: “Morning, Lin!” (Chào buổi sáng, Lâm!). Rời xa nơi đây quả là có chút luyến tiếc. Tôi ôm chào tạm biệt từng người, cứ như thể tôi chỉ ra ngoại thành vài hôm, tuần sau sẽ trở lại vậy.
Tôi lại tới nhà thờ kia một lần nữa. Đã sắp tới buổi chiều, nơi này vắng bóng. Chiếc piano tôi từng thấy qua hôm nay đã có người một người đàn ông đang ngồi chơi, chiếc đàn hạc bên cạnh cũng có một người phụ nữ đang chơi, ở giữa hai bọn họ là một cậu bé chừng mười tuổi đang thổi harmonica.
Tôi chọn một vị trí sau lưng rồi ngồi xuống.
Bé trai thổi harmonica nghe thật réo rắt. Họ đang hòa tấu một bản nhạc, khúc nhạc thời bé thơ mẹ thường du tôi vào giấc mộng.
Gia đình em đáng yêu, đông đủ, đẹp đẽ lại bình an.
Anh em hòa thuận, chị em khăng khít, bố mẹ hiền hòa.
Bất kể không có vườn hoa bạt ngàn đón mùi hương.
Bất kể không có phòng khách mênh mang đông ấm hạ mát.
Những hạt bụi li ti như đang khiêu vũ trong nền nhạc. Tôi nhìn ba người họ cùng hòa âm. Lúc bản nhạc chuẩn bị kết thúc, cậu bé kia nhìn thấy tôi, mặt ửng hồng. Tôi nhìn cậu bé, nở nụ cười thật tươi.
Người phụ nữ chơi đàn hạc khoác tay người đàn ông chơi piano nhìn về phía tôi mỉm cười, sau đó vẫy tay khẽ gọi cậu bé kia. Một nhà ba người cùng nhau rời đi.
Đời người chính là những con đường mà ta không ngừng in vệt dấu chân, là những cuộc gặp gỡ rồi lại tạm biệt hết lần này tới lần khác. Thi thoảng dừng lại nghỉ ngơi, sau đó lại tiếp tục cất bước.
Và rồi kết thúc.
Sau đó lại rời đi.
Còn bây giờ, tôi phải về nhà rồi.
– ———————————
Chập tối, tôi bưng một cốc đồ uống nóng đi về kí túc xá. Trên đường nhận được điện thoại.
“Ngày mai em về sao?”
Đã sang tháng hai rồi, sáng nào anh Cố thức dậy cũng phải dùng giọng nói nghèn nghẹt ngái ngủ kia để gọi điện cho tôi một lần, coi phí điện thoại đường dài đắt đỏ chỉ là công cụ để anh giận dỗi (hay là làm nũng, tôi cũng không biết nữa).
Tôi sợ anh còn chưa tỉnh hẳn nên không dám cho anh hết hồn, bèn khẽ nói: “Về ạ.”
Anh Cố hơi ngơ ngẩn: “Mai luôn?”
Tôi nói: “Mai luôn. Có điều, khi anh nhìn thấy em thì đã là ngày kia rồi.”
Anh Cố: “Anh đón em.”
Tôi: “Chứ sao. Anh nỡ để giây phút đầu tiên em đặt chân lên đất mẹ sẽ nhìn thấy ai khác à?”
– —