Thất Lão Kiếm

Chương 45: Kiếm Lão Quái



Vào bên trong sơn cốc rồi, Nhuế Vĩ không thấy Giản Thiện Vũ nữa.
Chàng thầm nghĩ :
– “Có lẽ tại ta dần đà tại cốc khẩu, nên y có thì giờ chạy sâu vào trong. Nhất định là y ở phía trước!”
Chàng phóng chân chạy tới.
Sơn cốc hẹp và dài, ánh sáng yếu ớt, hơi lạnh bốc buốt xương.
Nhuế Vĩ vừa chạy vừa gọi :
– Giản Thiện Vũ! Giản Thiện Vũ!
Chỉ có tiếng dội, không một lời đáp.
Chàng chạy nhanh, chân giẫm mạnh, tiếng chân vang dội thình thịch, thình thịch.
Không lâu lắm, có tiếng chân người từ đầu kia vọng lại, người nào đó đang đi ngược chiều và song phương sắp sửa đối diện.
Nhuế Vĩ đứng lại, thầm nghĩ :
– “Chắc là Giản Thiện Vũ trở ra!”
Lòng sơn cốc quanh co uốn khúc, nhìn ra phía trước, Nhuế Vĩ không thể thấy xa.
Đột nhiên, một bóng người xuất hiện ở khúc quanh. Người đó chập choạng bước đi, chừng như thọ thương nặng.
Nhãn lực của Nhuế Vĩ rất tinh diệu, tuy còn cách xa hơn hai mươi trượng, trong bóng tối mờ mờ, chàng cũng nhận ra người đó không phải là Giản Thiện Vũ.
Người đó là một hòa thượng.
Hòa thượng miễn cưỡng bước tới mấy bước nữa, rồi kiệt sức ngã xuống, rên hừ hừ.
Nhuế Vĩ vọt mình tới, không dám hấp tấp nâng hòa thượng lên, chỉ hỏi :
– Đại sư là ai? Có phải đã thọ thương chăng?
Hòa thượng nằm sấp, ngực ấp lên đá vụn, đưa lưng lên, lưng phập phồng, chứng tỏ hơi thở rất khó khăn.
Nhuế Vĩ lại hỏi :
– Đại sư cho tại hạ biết mình là ai, tại hạ có thể chữa trị thương thế cho!
Hòa thượng cố gắng buông mấy tiếng :
– Bần tăng là Pháp Hải.
Nhuế Vĩ kinh hãi kêu lên :
– Pháp Hải?
Phàm trong phái Thiếu Lâm, những hòa thượng có pháp hiệu khởi đầu bằng chữ Pháp, đều có thân phận tối cao. Trừ chưởng môn là Pháp Bổn đại sư, còn có hai vị trưởng lão là Pháp Hải và Pháp Ý. Trên giang hồ, không ai không nghe danh ba vị đó.
Nằm mộng Nhuế Vĩ cũng không tưởng là gặp Pháp Hải đại sư tại đây, và đại sư lại thọ thương nặng như vậy. Chàng thầm nghĩ :
– “Ai có khả năng gây thương thế cho vị cao tăng Thiếu Lâm này? Người đó hẳn phải là tay phi phàm mới tạo được một thành tích như thế.”
Chàng với tay nâng lên, soát qua khắp thân thể lão, thấy vết tích tung hoành ngang dọc nơi ngực, chỉ một gương mặt thôi cũng có hơn hai mươi vết kiếm, không còn phân biệt mũi miệng mắt tai nữa. Điểm đặc biệt là các vết thương dài ngắn sâu cạn đều y nhau, mường tượng hung thủ có đo sẵn trước rồi mới hành động.
Pháp Hải đại sư tiếp với giọng yếu ớt :
– Tà… Kiếm… tái xuất…
Nhuế Vĩ hỏi :
– Tà Kiếm? Tà Kiếm là chi?
Bỗng, Pháp Hải rúm mình lại, rồi rung lên từng hồi.
Nhuế Vĩ thở dài, biết là không còn cách gì chữa trị cho lão được nữa. Chỉ qua một lúc nữa thôi, máu trong người ra hết, lão sẽ trút linh hồn. Chàng thốt :
– Đại sư có gì cần trối trăn lại, xin cứ nói, vãn bối sẽ cố gắng hoàn thành cho.
Pháp Hải đã mở mắt, không còn trông thấy gì, nên chẳng rõ Nhuế Vĩ là địch thù hay kẻ bàng quan, song nghe giọng nói thành khẩn của chàng lão không ngần ngại thốt :
– Mang… “Như Ý lịnh”… đến Thiếu Lâm tự… nói là Tà Kiếm đã tái xuất…
Chợt lão hét lên :
– Tà Kiếm! Tà Kiếm lợi hại không tưởng nổi.
Lão vùng lên, rồi oằn oại, qua một phút dao động, lão nằm im. Lão bất động vĩnh viễn. Đôi tay của lão nắm chặt tay áo của Nhuế Vĩ.
Thấy lão chết quá thê thảm, Nhuế Vĩ xúc động tâm tình, lệ rớm ven mi.
Chàng gỡ tay lão ra, từ từ đặt xác lão nằm xuống, rồi chàng hứa :
– Tiền bối hãy yên tâm về Tây thổ, vãn bối sẽ mang “Như Ý lịnh” đến Thiếu Lâm tự, như tiền bối đã muốn.
Chàng chuyển xác chết đến một cái hang gần đó, đặt xuống xong rồi, lục soát trong mình đại sư, lấy một chiếc Như Ý bằng ngọc trắng, lớn bằng bàn tay.
“Như Ý lịnh”, là một loại tín phù của phái Thiếu Lâm, biểu hiệu một uy lệnh vô thượng đối với bổn phái.
Chàng cất chiếc “Như Ý lịnh” vào mình, khuân một tảng đá lớn, lấp kín miệng hang, xong rồi chàng nghĩ đến Giản Thiện Vũ. Chàng biết, lúc đó có tìm Giản Thiện Vũ cũng vô ích, nhưng sơn cốc còn dài sâu, chàng cứ đi tới xem sao.
Chàng nghĩ, dù không gặp Giản Thiện Vũ, mà lại gặp cao thủ Tà Kiếm, thì lại càng hay.
Chàng không tưởng là trong sơn cốc có một ma đầu, chuyên giết người, và chực chờ giết chàng.
Con đường còn lại đó dài độ mấy trăm thước, cuối con đường là một khoảng đồng có trồng lúa, lúa đang tốt xanh, giữa đồng lúa, có khe nước, chảy không ngừng. Trên đồng có mấy đại hán, vận y phục nhà nông, họ không hay biết có người lạ vào đây, họ mơ màng nhìn thửa ruộng và miệng nhai nhồm nhoàm rắn sống.

Nhuế Vĩ kinh ngạc tột độ, nhưng cũng bước đến cạnh một nông phu vòng tay hỏi :
– Nhân huynh có thấy một người vừa vào đây chăng?
Nông phu không lộ vẻ gì kinh ngạc, không hỏi han gì Nhuế Vĩ cả, chỉ lắc đầu.
Chàng đi tiếp đến một cốc khẩu, chợt thấy một lão đạo sĩ dung mạo thanh tú, lão đang kêu lên :
– Xích Vỹ! Xích Vỹ!
“Xích Vỹ Xà” là một trong mười loại độc xà, cực độc, không kém “Bách Bộ Xà”, “Thanh Trúc Xà”.
Chỗ lão nhân nắm, cách đầu độc xà độ bảy tấc, độc xà không quay đầu ngoạn tay lão được, chỉ mở to mắt, vẫy vẫy đuôi, còn lão nhân thì nhìn đầu nó, cười hì hì.
Nhuế Vĩ rợn mình.
Âm thinh cười của lão nghe sao tàn khốc lạnh lùng quá chừng! Âm thinh đó hoàn toàn mâu thuẫn với vẻ từ hòa nơi gương mặt lão.
Rồi lão ngưng cười, cắn đầu con “Xích Vỹ Xà” ăn tươi nó.
Ăn sống một con rắn, là sự lạ rồi, ăn sống một con rắn độc, lại là điều chẳng bao giờ Nhuế Vĩ tưởng tượng đến. Nhuế Vĩ nhận thấy, lão nhân ăn rắn chẳng phải vì đói mà ăn, mà là vì một dụng ý nào đó. Khác với bọn nông phu, lão chỉ ăn đầu, còn mình thì lão quăng đi.
Ăn xong, lão lau mép rồi đứng lên uốn éo mình cho giãn gân cốt. Đoạn lão bước tới nhặt phần mình còn lại của con “Xích Vỹ Xà”, đi luôn đến trước mặt Nhuế Vĩ bảo gọn :
– Ăn đi!
Lão trao mình con rắn cho Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ biến sắc, lắc đầu :
– Lão trượng ăn đi! Tại hạ không phải là dã nhân, nên không thể ăn được thú vật sống.
Lão nhân kinh hãi hỏi :
– Ngươi nói năng được?
Nhuế Vĩ trầm giọng :
– Tại hạ có miệng, có lưỡi, tự nhiên phải biết nói năng!
Lão nhân cười :
– Ta thấy ngươi vào, lại không nói tiếng gì, cứ tưởng ngươi si dại!
Đoạn lão hỏi :
– Ngươi vào đây làm gì?
Nhuế Vĩ không đáp, chỉ hỏi lại :
– Cốc chủ ở đâu?
Lão nhân hỏi :
– Ngươi tìm Cốc chủ để làm gì?
Nhuế Vĩ đáp :
– Để thỉnh giáo một việc.
Lão nhân hỏi :
– Việc gì?
Cho rằng lão tò mò quá, Nhuế Vĩ hơi bực, tuy nhiên, chàng trầm tĩnh tiếp :
– Nếu lão trượng biết, thì xin vui lòng chỉ cho tại hạ. Còn như không muốn nói, thì thôi vậy. Tại hạ tự đi tìm cũng được.
Lão nhân lạnh lùng :
– Ngươi biết ý nghĩa ba chữ “Bất Quy cốc” chăng?
Nghe lão hỏi thế, Nhuế Vĩ biết ngay lão ta là Cốc chủ. Chàng thầm nghĩ :
– “Con người có bề ngoài rất từ hòa, song tâm địa lại độc hơn rắn rết”.
Do đó, chàng đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi bất ngờ.
Chàng vờ như không biết thân phận đối tượng, đáp :
– “Bất Quy cốc”, cái tên nghe cũng được, song tầm thường quá!
Lão nhân hừ lạnh một tiếng :
– Tầm thường! Bất Quy cốc là một sơn cốc, ai vào rồi là đừng mong trở về.
Nhuế Vĩ mỉm cười :
– Không chắc vậy đâu, lão trượng!
Lão nhân trầm gương mặt, phẫn nộ :
– Ai bảo ngươi đến đây? Diệp Sĩ Mưu phải không?
Nhuế Vĩ gật đầu :
– Diệp Sĩ Mưu? Tại hạ không quen người đó. Trên đảo này, tại hạ chỉ biết có một người, một tiểu thơ tên Diệp Thanh.
Lão nhân “ạ” một tiếng :
– Biết con gái mà không biết cha? Thế Diệp Thanh bảo ngươi đến phải không?

Bây giờ, Nhuế Vĩ mới biết Tam Nhãn Tú Sĩ tên là Diệp Sĩ Mưu và Diệp Sĩ Mưu hẳn có quen biết chi với lão quái nhân này. Chẳng những thế, mối giao tình giữa song phương cũng phải thâm hậu lắm. Cho nên lão quái nhân mới biết tên cả con gái của người ta.
Chàng lại lắc đầu đáp :
– Không ai bảo tại hạ đến đây cả. Chính Diệp Thanh còn ngăn trở tại hạ nữa là khác.
Lão nhân cười lạnh :
– Liễu đầu Diệp Thanh biết rõ giới điều trong cốc, đương nhiên là phải ngăn trở ngươi. Nhưng ngươi lại chẳng biết sống chết ngoan cố xâm nhập, thế là ngươi không xem ta ra gì.
Nhuế Vĩ mỉm cười :
– Tại hạ đâu có quen biết chi lão trượng, như vậy làm gì có việc khinh thường lão trượng?
Lão nhân hỏi :
– Ta là Cốc chủ đấy, ngươi tìm ta có việc chi?
Nhuế Vĩ đáp :
– Thoạt đầu tại hạ vào, không có ý tìm lão trượng.
Lão nhân cười lạnh :
– Kết quả, vào cốc rồi, ngươi thấy điều chướng mắt, nên định tìm ta mà tranh luận!
Nhuế Vĩ đáp :
– Tại hạ có một người bằng hữu, cách mặt nhau hai năm rồi. Hôm nay, tại hạ trông thấy người đó vào sơn cốc, nên theo vào, thành ra phạm tội xâm nhập không thông báo.
Lão nhân lắc đầu :
– Ở đây, không có người lạ vào! Bằng hữu của ngươi không có mặt trong cốc đâu!
Nhuế Vĩ đáp :
– Nếu đích xác y không có mặt tại đây, thì tại hạ xin cáo từ.
Lão nhân lắc đầu :
– Không được đâu! Ngươi đã vào, là không thể ra. Cái số của ngươi đã định như vậy rồi.
Nhuế Vĩ chẳng chút sợ hãi. Chàng cười, tiếp :
– Tạm thời, tại hạ chưa muốn ly khai, khi nào xong việc rồi, là tại hạ sẽ đi ra, thong thả đi ra!
Lão nhân bĩu môi :
– Ngươi tưởng dễ? Đừng nuôi mộng, tiểu tử ơi!
Đoạn lão hỏi :
– Việc gì ngươi định làm, mà bảo là chờ hoàn thành?
Nhuế Vĩ thốt :
– Lão trượng vừa nói, là tại hạ muốn tranh luận với lão trượng. Chính là việc đó vậy! Tại hạ cần tranh luận về một việc chướng mắt.
Trong khi lão nhân trừng mắt, Nhuế Vĩ đến một chiếc đôn bằng đá ngồi xuống, chỉ một chiếc đôn khác, bảo :
– Lão trượng ngồi xuống đi!
Chàng làm như mình là chủ nhân địa phương này.
Thấy chàng ung dung quá, lão nhân càng tức uất, song cũng ngồi xuống, trong bụng mắng thầm tiểu tử hỗn láo.
Nhìn thần sắc, Nhuế Vĩ đoán được tâm tư, mỉm cười, mỉa :
– Lão trượng là bậc đức cao vọng trọng, công phu hàm dưỡng rất thâm hậu, tâm tình trấn định vững chắc, hẳn là không bực tức gì đến đỗi phải thầm mắng người.
Lão nhân nghĩ :
– “Hắn khích ta sao chứ? Ta cố dằn lòng, xem hắn giở trò gì!”
Nhuế Vĩ hỏi :
– Con kiến còn muốn sống thay, huống hồ con người? Sao lão trượng vọng sát vô cớ, chẳng sợ tổn thương nhân đạo?
Lão nhân định chối, xem chàng nói như thế nào, bèn đáp :
– Ngậm máu phun người là một tội rất lớn đó, tiểu tử không được ăn nói vu vơ đấy nhé!
Nhuế Vĩ nói :
– Những đống xương trắng quanh cốc khẩu, không là một bằng chứng sao?
Lão nhân cười vang :
– Muốn bắt tội người, thiếu gì lý lẽ? Ai cấm ngươi bịa đặt mơ hồ? Ngươi cho rằng chính ta giết bọn đó, ta làm sao biện bạch? Bởi, nơi đây là địa phương của ta mà!
Nhuế Vĩ hừ một tiếng :
– Thế không phải là thành tích của lão trượng sao?
Lão nhân cao mặt :

– Đương nhiên là không! Tiểu tử! Ngươi vu khống ta, tội ngươi phải đền!
Nhuế Vĩ nói :
– Nếu không trưng được bằng cớ, tại hạ sẽ chịu tội, mặc tình lão trượng xử trí.
Lão nhân hỏi :
– Chứng cớ gì đâu? Trưng ra ngay!
Nhuế Vĩ hỏi :
– Lão trượng biết Pháp Hải đại sư chứ?
Lão nhân giật mình. Lão đã quăng xác Pháp Hải vào một chỗ kín, làm gì Nhuế Vĩ biết được? Lão đáp :
– Pháp Hải hòa thượng phải không? Ta có biết lão ấy, song lâu lắm rồi, ta không gặp lại!
Nhuế Vĩ thốt :
– Lão trượng từ lâu không gặp lại, nhưng tại hạ lại vừa gặp, mà gặp tại đây nữa đó!
Thì ra, Pháp Hải bị lão nhân chém hơn trăm nhát kiếm, lão nhân đinh ninh đại sư chết rồi, nên quăng xác xuống hố sâu. Bất ngờ xác vướng cành cây, Pháp Hải cố nương cây lên được, đi lần ra cốc khẩu, gặp Nhuế Vĩ.
Lão nhân quát :
– Ngươi nói nhảm! Làm gì có lão ấy ở đây? Ta không tin!
Nhuế Vĩ không nói gì, đưa tay vào mình, lấy chiếc “Như Ý lịnh” ra.
Lão nhân trông thấy, kêu lên :
– Ngươi nhặt vật đó ở đâu?
Nhuế Vĩ hỏi lại :
– Lão trượng nhận ra vật đó?
Lão nhân gật đầu :
– Trên giang hồ, còn ai không biết “Như Ý lịnh” của phái Thiếu Lâm! Chỉ có hai người mang vật đó, ngoài vị chưởng môn ra mà thôi!
Nhuế Vĩ hỏi :
– Ai?
Lão nhân đáp :
– Pháp Hải đại sư và Pháp Ý đại sư.
Nhuế Vĩ thốt :
– Trên chiếc “Như Ý lịnh”, có khắc chữ Hải.
Lão nhân lại giật mình lượt nữa :
– Nếu vậy là vật của Pháp Hải.
Nhưng, mường tượng không tin lắm, lão nhân bảo :
– Ngươi trao cho ta xem!
Nhuế Vĩ không do dự, trao liền.
Thấy chàng khẳng khái, lão nhân tán :
– Tiểu tử khá lắm!
Nhìn chiếc “Như Ý lịnh”, lão hết sức phân vân, chẳng hiểu tại sao nó lại về tay Nhuế Vĩ. Không lý Pháp Hải sống lại? Mà nếu Pháp Hải chết, thì ai trao Như Ý lịnh cho Nhuế Vĩ?
Nhuế Vĩ hỏi :
– Bây giờ lão trượng tin là tại hạ có gặp Pháp Hải chưa?
Lão nhân nghi hoặc :
– Tại sao Pháp Hải trao “Như Ý lịnh” cho ngươi? Lão ấy bây giờ ở đâu?
Nhuế Vĩ không giấu :
– Pháp Hải đã chết rồi. Trước khi chết, vị đại sư đó trao “Như Ý lịnh” cho tại hạ.
Lão nhân hỏi :
– Lão có nói gì không?
Nhuế Vĩ đáp :
– Nhờ tại hạ đưa về Thiếu Lâm tự, đồng thời chuyển đạt bốn tiếng!
Lão nhân hỏi :
– Bốn tiếng chi?
Nhuế Vĩ nghiêm giọng :
– Tà Kiếm tái xuất!
Lão nhân lẩm nhẩm :
– Nguy thật! Nguy thật!
Nhuế Vĩ hỏi :
– Lão trượng sợ hòa thượng Thiếu Lâm tự?
Lão nhân hừ một tiếng :
– Ta làm gì sợ bọn trọc Thiếu Lâm?
Dừng lại một chút, lão tiếp :
– Nói thực ra, riêng chưởng môn Thiếu Lâm thì ta chẳng xem ra gì. Song, nếu tin này truyền đến Thiếu Lâm tự, rằng ta chưa chết, cả lũ trọc đều ồ ạt đến đây, một mình ta không chống cự nổi.
Nhuế Vĩ thốt :
– Lão trượng đã xem chiếc “Như Ý lịnh” rồi, xin trao trả cho tại hạ!

Lão nhân cười, hỏi :
– Ngươi còn cần đến vật đó nữa sao?
Nhuế Vĩ trầm gương mặt, cất giọng trang nghiêm :
– Tại hạ thọ sự ủy thác của người, tất phải làm tròn điều ủy thác. Tại hạ phải chuyển vật đó đến Thiếu Lâm tự.
Lão nhân cười nhẹ :
– Khư khư một vật nhỏ mọn, ta lấy làm gì mà ngươi sợ mất?
Lão trao qua Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ đưa tay tiếp nhận xong, lão nhân tiếp :
– Hơn hai mươi năm qua, ta không hề đàm đạo với ai quá ba câu nói. Hôm nay, ta đối thoại với ngươi lâu như thế này, kể ra chúng ta rất có duyên với nhau.
Nhuế Vĩ hỏi :
– Cái vụ sát hại vô cớ đó, lão trượng thừa nhận hay không thừa nhận?
Lão nhân mỉm cười :
– Phải! Ta thừa nhận có giết chết số người đó!
Nhuế Vĩ phấn động hùng tâm, cao giọng hỏi :
– Sao lão trượng giết nhiều người như thế? Họ có thù oán gì với lão trượng?
Lão nhân khoát tay :
– Tuổi trẻ dễ nóng giận, nóng giận là hao tổn ngươn khí, có gì, cứ thong thả mà nói với nhau.
Lão trả miếng lại Nhuế Vĩ. Trước đó, chàng đã châm chích lão như vậy.
Nhuế Vĩ bắt buộc phải dằn lòng :
– Được rồi! Tại hạ từ từ thốt. Bây giờ lão trượng hãy cho biết, tại sao lão trượng giết những người đó?
Lão nhân thản nhiên đáp :
– Ta ở lại đây hơn hai mươi năm, không hề ra khỏi sơn cốc nửa bước, những người đó do Diệp Sĩ Mưu gởi đến, để cho ta giết, ngồi nhàn mãi, sanh chán, ta phải làm cái việc giết người để tiêu khiển!
Nhuế Vĩ kêu lên :
– Trời! Giết người để tiêu khiển? Trong thiên hạ có ai làm như lão trượng chăng?
Lão nhân mỉm cười :
– Ngươi đã đáp ứng với ta là cứ ung dung nói chuyện kia mà? Sao ngươi mất bình tĩnh nhanh chóng thế?
Nhuế Vĩ lại dằn cơn giận, gằn từng tiếng :
– Lão trượng cuồng sát sanh linh, tại hạ hận không thể giết lão trượng ngay bằng một nhát kiếm.
Lão nhân nhìn thanh kiếm giắt sau lưng Nhuế Vĩ, mỉm cười thốt :
– Ta biết, kiếm thuật của ngươi không kém lắm, bởi con người cao tài thì lớn mật, ngươi dám vào đây tức nhiên ngươi ỷ trượng vào một sở năng nào đó. Tuy vậy, ngươi không nên quá hấp tấp, sớm muộn gì chúng ta cũng có một trường tử đấu với nhau mà! Bây giờ cứ nói chuyện với nhau cho thỏa.
Từ bao năm qua, lão nhân không đàm thoại với ai, bây giờ gặp người rồi, lão cảm thấy hứng khởi vô cùng. Lão quên hết mọi việc, để nói cho khoái lỗ miệng.
Lão tiếp :
– Thực ra, những kẻ đó chết đi là phải, chẳng đáng tiếc chút nào.
Nhuế Vĩ cau mày :
– Giết người mà không đáng tiếc? Thế làm gì mới đáng tiếc?
Lão nhân đáp :
– Những người do Diệp Sĩ Mưu đưa đến, đều si dại, lơ láo, ta không giết chúng, chúng có sống cũng không thú vị gì!
Nhuế Vĩ kinh hãi :
– Diệp Sĩ Mưu dùng tà thuật hãm hại đệ tử bảy kiếm phái, cho họ ra nông nỗi ấy, trước khi đưa họ đến đây cho lão trượng?
Lão nhân mỉm cười :
– Bây giờ ngươi mới rõ!
Nhuế Vĩ sôi giận cực độ. Chàng lấy làm lạ, tại sao một người cha tàn nhẫn, hiểm độc lại sanh một con gái như thế? Chàng thở dài :
– Tại sao Diệp Sĩ Mưu làm thế? Làm như vậy lão ta có lợi gì?
Lão nhân thản nhiên đáp :
– Diệp Sĩ Mưu biết ta ngày ngày luyện kiếm, y muốn lấy lòng ta, nên đưa bọn đệ tử bảy đại kiếm phái đến làm cái đích nhắm cho ta. Đó là một sự tốt đẹp cho y, một lợi ích cho y.
Nhuế Vĩ cười lạnh :
– Xem ra, Diệp Sĩ Mưu bất quá chỉ là trợ giúp lão trượng mà thôi. Kẻ đại ác mới chính là lão trượng!
Lão nhân không giận, chỉ cười đáp :
– Ta vốn không phải là một người tốt. Giết người là việc rất nhỏ mọn đối với ta!
Nhuế Vĩ căm hờn :
– Lão trượng chẳng những hiếu sát, mà còn hiếu sát một cách tàn nhẫn.
Lão trượng nuôi nông phu, họ làm ruộng, cấy lúa cho lão trượng ăn, tại sao không cho họ ăn gạo như lão trượng?
Lão nhân lấy làm kỳ :
– Ngươi nói thế là nghĩa gì?
Nhuế Vĩ bèn thuật lại những gì đã thấy.
Nghe xong, lão nhân lại bật cười ha hả :
– Thì ra là thế! Tiểu huynh đệ ơi! Ngươi lầm rồi!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.